(TG) - Góp phần vào thành công chung của đối ngoại đất nước trong năm 2023, công tác thông tin đối ngoại, trong đó có công tác thông tin tuyên truyền về các hoạt động đối ngoại đã hoàn thành được những nhiệm vụ đề ra, được triển khai toàn diện, hiệu quả, sáng tạo.
.
TRIỂN KHAI TOÀN DIỆN, HIỆU QUẢ, SÁNG TẠO
Năm 2023, thế giới chứng kiến nhiều biến động, vượt ra ngoài những khuôn khổ dự báo thông thường với những sắc đỏ trong xung đột dẫn đến những tác động về địa chính trị và an ninh kể từ khi chiến tranh lạnh kết thúc; sắc xám về kinh tế với những nguy cơ suy thoái, tăng trưởng thấp, lạm phát gia tăng, bất ổn tài chính,... Công cuộc chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng của các quốc gia trên thế giới trở thành chiến lược dài hạn, là xu thế chuyển đổi bắt buộc để từng bước thích ứng với các yêu cầu trong tình hình mới.
Trong một thế giới bất ổn, bất an, Việt Nam trong năm 2023 vẫn nổi lên là “một điểm sáng” ở khu vực và trên thế giới với chính trị ổn định; quốc phòng an ninh được bảo đảm; kinh tế vĩ mô được duy trì; lạm phát được kiểm soát,... Cùng với đó, Việt Nam cũng là một hình mẫu đang trên đà vươn lên mạnh mẽ, là bạn, là đối tác tin cậy, có trách nhiệm, đóng vai trò chủ động và tích cực trong các công việc chung của khu vực và thế giới. Hoạt động đối ngoại của đất nước, trong đó có các hoạt động cấp cao diễn ra sôi động, liên tục đã khẳng định chính sách đối ngoại nhất quán, quyết tâm hội nhập quốc tế sâu rộng và toàn diện, đóng góp vào việc duy trì môi trường hoà bình, ổn định, tạo thuận lợi cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trong năm 2023, các hoạt động đối ngoại cấp cao của Việt Nam được báo chí trong nước, báo chí quốc tế đặc biệt quan tâm, nhất là các chuyến thăm song phương nước ngoài, các chuyến công tác tham dự các hội nghị đa phương của lãnh đạo chủ chốt của ta, các chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình (12/12/2023), Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden (10 - 11/9/2023) với các tuyến tin, bài dày, đậm nét, các bình luận tích cực. Dư luận báo chí đánh giá Việt Nam “vững vàng” trong đa dạng hoá quan hệ với các đối tác quan trọng; chính sách đối ngoại Việt Nam đang theo đuổi “thực tế và thông minh”, nhất là trong ứng xử với các nước lớn.
Góp phần vào thành công chung của đối ngoại đất nước trong năm 2023, công tác thông tin đối ngoại nói chung, trong đó công tác thông tin tuyên truyền về các hoạt động đối ngoại đã hoàn thành được những nhiệm vụ đề ra, được triển khai toàn diện, hiệu quả, sáng tạo và đạt được nhiều kết quả tích cực:
Một là, thông qua các hoạt động đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại nhân dân sôi động, trên cả bình diện song phương và đa phương, hình ảnh của Việt Nam với đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hoá, đa dạng hoá, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế đã tiếp tục khẳng định và gia tăng hơn nữa. Trong năm 2023, Bộ Ngoại giao đã xây dựng, triển khai và phối hợp triển khai 82 đề án, kế hoạch tuyên truyền về các hoạt động đối ngoại của đất nước (tăng 20% so với năm 2022). Các hoạt động ngoại giao công chúng được triển khai bài bản, trở thành một phần không thiếu trong các hoạt động đối ngoại cấp cao. Hình ảnh các lãnh đạo cấp cao nước ngoài đến thăm các danh lam thắng cảnh nổi tiếng, thưởng thức những sản vật, những món ăn đường phố nổi tiếng của Việt Nam được lan truyền mạnh trong dư luận cả trong và ngoài nước, là điểm nhấn thú vị của các chuyến thăm song phương.
Hai là, thông qua các hoạt động đối ngoại song phương và đa phương của lãnh đạo chủ chốt, lãnh đạo cấp cao, lãnh đạo các Bộ, ban, ngành, địa phương, chúng ta đã lồng ghép các nội dung tuyên truyền về các thành tựu mọi mặt của đất nước cũng như đấu tranh lại với các thông tin chưa đúng, chưa chính xác về Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực nhạy cảm như chủ quyền biển đảo, biên giới lãnh thổ, dân tộc, tôn giáo,...
Các cuộc hội đàm, hội kiến, các cuộc tiếp xúc, gặp gỡ, các phát biểu chính sách của lãnh đạo chủ chốt, lãnh đạo cấp cao là cơ hội rất tốt để tuyên truyền hiệu quả về các chủ trương, chính sách, tình hình mọi mặt về Việt Nam, góp phần củng cố và làm sâu sắc quan hệ với các nước, khẳng định vai trò, trách nhiệm của Việt Nam tại các tổ chức quốc tế. Nhiều chuyến thăm của lãnh đạo các nước, các tổ chức quốc tế, lãnh đạo các tập đoàn lớn đến Việt Nam và theo đó là các thoả thuận, các cam kết đầu tư chính là kết quả của các hoạt động đối ngoại của Việt Nam.
Ba là, thông qua các hoạt động đối ngoại, Bộ Ngoại giao đã phát huy hiệu quả các phương thức đặc thù của ngành như các hoạt động song phương (đối thoại nhân quyền, tham vấn chính trị, tiếp xúc, gặp gỡ) đến đa phương (các cơ chế của Liên hiệp quốc), ngoại giao các kênh nhằm: Lồng ghép tuyên truyền về quan hệ đối ngoại và hoạt động đối ngoại song phương, đa phương; Tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến với cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống, học tập, làm việc ở nước ngoài; Phát hiện sớm và đấu tranh kịp thời với những luồng dư luận xấu, không thuận; Tổng hợp các nguồn thông tin tốt, chất lượng về Việt Nam làm tài liệu tham khảo, nghiên cứu.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32 với chủ đề “Phát huy vai trò tiên phong, xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại, vững mạnh, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng”.
Có thể nói kể từ sau Đại hội lần thứ XIII của Đảng, dư luận, chính giới, báo chí, các nhà nghiên cứu nước ngoài và trí thức kiều bào, bạn bè quốc tế có nhiều tin, bài phân tích về chính sách đối ngoại của Việt Nam, cũng như đồng tình, ủng hộ hơn về cách ứng xử của Việt Nam trong nhiều vấn đề khu vực và quốc tế. Về tình hình phát triển mọi mặt của đất nước, chúng ta nhận được những đánh giá, dự báo tích cực từ cộng đồng quốc tế trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều tín hiệu ảm đạm.
Bốn là, tại các địa bàn ngoài nước, Bộ Ngoại giao, với vai trò là cơ quan đầu mối đã đôn đốc các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đồng hành với các Bộ, ban, ngành liên quan, các địa phương tranh thủ tối đa các hoạt động đối ngoại để tiếp tục quảng bá các giá trị văn hoá, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam tại địa bàn. Các cuộc gặp gỡ, trao đổi thông tin với chính quyền, quốc hội, các giới, học giả, doanh nghiệp, cộng đồng, việc tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại - đầu tư, lễ hội văn hoá - du lịch Việt Nam, các hoạt động nghệ thuật biểu diễn, điện ảnh, các hoạt động đối ngoại nhân dân như liên hoan/gặp gỡ hữu nghị nhân dân,... ở các địa bàn ngoài nước là những phương thức hiệu quả để Việt Nam tiếp tục thông tin đến bạn bè quốc tế cũng như gắn kết cộng đồng.
Trong năm 2023, Bộ Ngoại giao cùng các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã tổ chức truyền thông khoảng hơn 20 sự kiện quan trọng liên quan đến cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, trong đó có những sự kiện quan trọng như Xuân Quê hương, Đoàn kiều bào thăm Trường Sa và Nhà giàn DK1, Đoàn kiều bào dự Giỗ tổ Hùng Vương, Lễ phát động cuộc thi tìm kiếm sứ giả tiếng Việt ở nước ngoài,... cũng như hỗ trợ báo chí kiều bào hoạt động và tổ chức nhiều sự kiện nổi bật ở sở tại.
Năm là, với nhận thức sâu sắc về những điểm mới, điểm quan trọng của Kết luận số 57-KL/TW ngày 15/6/2023 của Bộ Chính trị về tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin đối ngoại đã từng bước phát huy ưu thế của các phương tiện truyền thông mới, truyền thông hiện đại (các trang thông tin điện tử, các trang mạng xã hội như Youtube, Facebook, Twitter,...); đa dạng hoá các hình thức thông tin dưới nhiều hình thức (phỏng vấn, bài viết, talk show, infographic,…) phù hợp, có sự phân vai, phân nhiệm cụ thể về tuyên truyền các hoạt động đối ngoại đến công chúng trong và ngoài nước. Đồng thời, công tác thu thập, nghiên cứu, theo dõi dư luận trong nước, quốc tế về đối ngoại tiếp tục được chú trọng,qua đó, có những tham mưu, đề xuất cụ thể nhằm triển khai hiệu quả hơn nữa các nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao phó.
NHỮNG BÀI HỌC KINH NGHIỆM QUÝ BÁU
Trên cơ sở những kết quả đã đạt được trong công tác tuyên truyền, tuyên truyền các hoạt động đối ngoại năm 2023, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm như sau:
Thứ nhất, trong tình hình mới, nhiệm vụ mà Đại hội XIII của Đảng đặt ra là phải “đổi mới nội dung, phương pháp, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền đối ngoại”, góp phần nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác đối ngoại. Thực tế, công tác thông tin, tuyên truyền các hoạt động đối ngoại đang đi theo con đường đổi mới tư duy và chủ động thích ứng, bám sát nhiệm vụ chính trị; sáng tạo hơn trong sản xuất sản phẩm truyền thông đối ngoại; chủ động hơn trong các phương thức truyền thông mới, truyền thông hiện đại cho các hoạt động đối ngoại của đất nước. Bám sát chủ trương đó, chúng ta cần tận dụng tối đa các hoạt động đối ngoại, nhất là đối ngoại cấp cao để làm công tác truyền thông cho đất nước, truyền tải thông điệp quốc gia, hình ảnh quốc gia và các giá trị cần được tôn vinh. Vừa qua, trong các hoạt động đối ngoại cấp cao, hình ảnh các nhà lãnh đạo Việt Nam và thế giới cùng thưởng trà, ăn sáng, đi dạo Hồ Gươm, đạp xe, uống cà phê, thăm phố sách, uống bia hơi… đã đưa hình ảnh gần gũi, sinh động một đất nước Việt Nam tươi đẹp, thanh bình đến với công chúng trong và ngoài nước, tạo nên những cảm nhận mới, cảm xúc mới về cách làm truyền thông đối ngoại.
Thứ hai, năng lực trong sáng tạo nội dung truyền thông số cho các hoạt động đối ngoại là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong thời gian tới.
Trong bối cảnh công nghệ 4.0 hiện nay, chúng ta sẽ khó có thể tiếp cận với công chúng nếu đi theo lối mòn chuyển tải nội dung theo cách thức “truyền thống”. Bài học kinh nghiệm cho thấy công chúng thích những thông tin / thông điệp ngắn gọn, dưới dạng hình ảnh / clip / icon hơn là các văn bản dạng chữ với nhiều sự kiện, dữ liệu. Cần hướng đến thông điệp chính sách ngắn gọn, súc tích, các “câu chuyện truyền thông” về đất nước, con người Việt Nam, những câu chuyện “tạo xu hướng”, “bắt xu hướng” trên mạng xã hội để đến gần hơn đến công chúng trong và ngoài nước.
Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương trao Bằng khen tặng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác thông tin đối ngoại; tuyên truyền biển, đảo và phân giới, cắm mốc, quản lý biên giới đất liền năm 2023 - Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng
Thứ ba, cần đa dạng hình thức tận dụng những đặc sắc về văn hoá, đất nước và con người để lồng ghép vào các hoạt động đối ngoại của đất nước. Trong các Tuần / Ngày Việt Nam, các hoạt động vinh danh Chủ tịch Hồ Chí Minh ở nước ngoài, các cuộc triển lãm, lễ hội văn hoá, ẩm thực, xuất bản các ấn phẩm phù hợp với ngôn ngữ, thị hiếu sở tại,… được triển khai song song với các hoạt động đối ngoại trong và ngoài nước thời gian qua vẫn luôn mang lại hiệu quả tốt. Chúng ta vừa làm tốt công tác đối ngoại, vừa truyền tải hình ảnh đất nước, con người Việt Nam và các địa phương đến với bạn bè thế giới.
Thứ tư, mạnh dạn hơn nữa trong việc sử dụng truyền thông mới, truyền thông hiện đại, truyền thông mạng xã hội. Cùng các kênh thông tin chính thống là các trang thông tin điện tử, truyền thông trong nước, truyền thông kiều bào,... nền tảng mạng Internet, mạng xã hội cũng cần được đặc biệt chú trọng để từ đó hình thành nên một mặt trận thông tin đa dạng và phong phú, giúp tiếp cận công chúng đa dạng hơn.
Trong năm 2023, Bộ Ngoại giao cùng các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã tổ chức truyền thông khoảng hơn 20 sự kiện quan trọng liên quan đến cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, trong đó có những sự kiện quan trọng như Xuân Quê hương, Đoàn kiều bào thăm Trường Sa và Nhà giàn DK1, Đoàn kiều bào dự Giỗ tổ Hùng Vương, Lễ phát động cuộc thi tìm kiếm sứ giả tiếng Việt ở nước ngoài,... cũng như hỗ trợ báo chí kiều bào hoạt động và tổ chức nhiều sự kiện nổi bật ở sở tại.
Phạm Thu Hằng
Bộ Ngoại giao