Lan tỏa tình yêu biển, đảo In trang
10/05/2024 08:54 SA

Những năm gần đây, công tác phối hợp giữa Lữ đoàn 162, Vùng 4 Hải quân cùng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lâm Đồng trong tuyên truyền những vấn đề biển, đảo đã có sức lan toả sâu rộng trong đông đảo các tầng lớp Nhân dân. Qua đó, góp phần tăng cường mối quan hệ đoàn kết quân - dân; khắc sâu hình ảnh cao quý bộ đội Cụ Hồ - người chiến sĩ Hải quân trong lòng đồng bào các dân tộc trên mảnh đất Nam Tây Nguyên.

Khơi dậy tình yêu biển, đảo quê hương cho thế hệ trẻ.
Khơi dậy tình yêu biển, đảo quê hương cho thế hệ trẻ.

Thượng tá Trần Trung Dũng - Phó Chính ủy Lữ đoàn 162 cho biết, hằng năm, đơn vị luôn cố gắng cập nhật những thông tin mới nhất về tình hình biển, đảo Việt Nam. Điểm mới trong chuyến công tác lần này chính là việc mở rộng địa bàn, đối tượng tuyên truyền, chú trọng các tầng lớp Nhân dân tại địa bàn vùng sâu, vùng xa. Nội dung tuyên truyền tập trung thông tin về kết quả xây dựng Hải quân Nhân dân Việt Nam trên lộ trình tiến thẳng lên hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo Tổ quốc; xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận chiến tranh nhân dân, thế trận lòng dân vững chắc trên biển. Qua đó tạo dựng niềm tin trong đông đảo cán bộ, đảng viên và Nhân dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc, tạo sự đồng thuận, tin tưởng vào các chủ trương, giải pháp của Đảng và Nhà nước ta trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

Với hình thức vừa kể chuyện, vừa trao đổi giữa báo cáo viên Vùng 4 Hải quân đến từ Lữ đoàn 162 với giáo viên, học sinh các trường THPT và THCS trên địa bàn các huyện Đam Rông, Lâm Hà, Di Linh, Đức Trọng và TP Đà Lạt; những kiến thức về chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, câu chuyện về chiến công của thế hệ cha anh đã anh dũng chiến đấu, hy sinh để bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng được truyền thụ tới các em học sinh một cách hiệu quả.

“Khi được nghe câu chuyện về sự hi sinh, chiến đấu của bộ đội Hải quân, em luôn cảm thấy biết ơn các chú đã không ngại vượt qua những hiểm nguy, những khó khăn, vất vả để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo Tổ quốc. Em tin là nếu có chính sách để mở rộng cho các bạn nữ có thể tham gia trong lĩnh vực Hải quân thì đó là một điều thú vị. Bởi đây không chỉ là cơ hội mở rộng nghề nghiệp mà còn là thoả niềm khát khao cống hiến của tuổi trẻ không đến từ một phái nam hay nữ mà là nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi người trẻ”, em Nguyễn Bảo Minh An, học sinh lớp 12A1, Trường PTTH Di Linh tâm sự.

Ngoài gặp gỡ, trò chuyện với các em học sinh tại một số trường THPT, THCS trên địa bàn, các báo cáo viên của Lữ đoàn 162 còn tập trung chia sẻ, trao đổi thông tin về biển, đảo với đội ngũ cán bộ, đảng viên, chức sắc các tôn giáo, giáo dân, già làng, trưởng bản, người uy tín tiêu biểu trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Qua đó những thông tin, kiến thức về biển, đảo được chia sẻ, đội ngũ những người có uy tín ở các giáo đường, bản, làng sẽ làm tốt hơn vai trò là những “báo cáo viên” trực tiếp tại địa bàn, cầu nối thông tin, vì họ mới chính là đội ngũ gần gũi bà con dân bản nhất.

Chị Klong Ka Xuân (xã N’Thol Hạ, huyện Đức Trọng) chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên tôi được nghe và biết về biển, đảo của Tổ quốc với những thông tin sâu đến như vậy. Buổi tuyên truyền giúp cho nhiều bà con giáo dân, đồng bào dân tộc thiểu số địa phương có được những thông tin chính xác và hiểu đúng hơn về sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo…; qua đó thấu hiểu về tinh thần nỗ lực, hy sinh quên mình của các cán bộ, chiến sĩ đang công tác trên những vùng biển, đảo. Với tình cảm của một người giáo dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, chúng tôi xin được gửi gắm lời động viên tới các chiến sĩ hãy vững vàng, kiên trì giữ vững, vì hậu phương chúng tôi sẵn sàng cùng chung sức bảo vệ biển, đảo của đất nước”.

Theo bà Vũ Thị Thuý Ngà - Phó Trưởng Phòng Khoa giáo, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lâm Đồng, những năm qua, công tác phối hợp tuyên truyền biển, đảo giữa Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lâm Đồng và Lữ đoàn 162, Vùng 4 Hải quân đã góp phần làm chuyển biến mạnh mẽ nhận thức, hành động của cán bộ, đảng viên và Nhân dân, đặc biệt là chức sắc các tôn giáo, giáo dân, già làng, người uy tín tiêu biểu trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, cũng như các em học sinh, đoàn viên, thanh niên trên địa bàn.

Lâm Đồng là địa phương có tỉ lệ người đồng bào dân tộc thiểu số và giáo dân tương đối cao; do đó thời gian tới Ban Tuyên giáo sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ cùng đơn vị để thực hiện tốt công tác tuyên truyền để âm vang biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc đến trên những giáo đường.

Khép lại hành trình tuyên truyền biển, đảo tới hơn 11 nghìn cán bộ, đảng viên, chức sắc tôn giáo, giáo dân, nhân dân, già làng, trưởng bản, người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, giáo viên, học sinh, sinh viên trên mảnh đất Tây Nguyên hùng vĩ... Chính sự chăm chú, tập trung trong 25 buổi tuyên truyền đã cho thấy sự trân quý của các tầng lớp Nhân dân với những thông tin mới nhất về tình hình trên biển, về những đóng góp to lớn của Hải quân Nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Từ đó tạo nên sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc để bảo vệ vững chắc nền hoà bình, độc lập dân tộc; bảo vệ vững chắc từng tấc đảo, sải biển thiêng liêng của Tổ quốc.

 

 

(LĐ online)

Lượt xem: 338
Văn bản mới
  • Số 92-KH/BTGTU 19/12/2024 Kế hoạch tổ chức chào cờ và sinh hoạt chính trị năm 2025
  • Số 1492-CV/BTGTU 18/12/2024 Tuyên truyền kết quả kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV
  • Số 204-HD/BTGTU 09/12/2024 Hướng dẫn tuyên truyền kỷ niệm 300 năm Ngày sinh Hải Thượng Lãn Ông Lê ...
  • Số: 1720/STTTT - TTr 06/12/2024 Về việc cảnh báo thủ đoạn cắt ghép hình ảnh cá nhân vào clip “nhạy ...
  • Số 203-HD/BTGTU 04/12/2024 Nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền Kết luận số 91-KL/TW, ngày 12/8/2024 của ...
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 004340554
  •  Đang online: 147
  •  Trong tuần: 147
  •  Trong tháng: 131.245
  •  Trong năm: 2.041.595