Mối quan hệ biện chứng giữa dư luận xã hội và tin đồn In trang
14/11/2024 03:22 CH

Trong giai đoạn hiện nay, cần có sự nghiên cứu và phân biệt giữa dư luận xã hội và tin đồn nhằm giúp cho các cơ quan chức năng định hướng thông tin, bác bỏ tin đồn thất thiệt gây bất ổn trong xã hội là yêu cầu cấp thiết. Với sự bùng nổ thông tin như hiện nay và sự phát triển vượt bậc của khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ 4.0, hằng ngày con người được tiếp cận với rất nhiều thông tin khác nhau, nhưng thông tin đó có thực hay không có thực? Có độ chính xác hay không chính xác? Mức độ chính xác là bao nhiêu? Do đó cần tìm hiểu mối quan hệ biện chứng giữa dư luận xã hội và tin đồn...

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Dư luận xã hội và tin đồn là hiện tượng tâm lý xã hội không thể thiếu trong đời sống hiện nay. Trong học thuật, dư luận xã hội được nhắc đến và được nghiên cứu một cách bài bản hơn tin đồn. Dư luận xã hội hay tin đồn đều xuất phát từ những thông tin ban đầu. Nếu như dư luận xã hội xuất phát từ những thông tin ban đầu về một sự kiện, vấn đề xã hội được bảo đảm chính xác, có thực, được xã hội quan tâm (liên quan đến lợi ích, giá trị của các nhóm xã hội) thì tin đồn là những thông tin ban đầu được truyền đi nhưng chưa được đảm bảo độ chính xác là có thực hay không có thực (thêm hoặc bớt tình tiết). Vì vậy, khi nghiên cứu về dư luận xã hội, không thể không nghiên cứu tin đồn. Vậy, thế nào là dư luận xã hội? Thế nào là tin đồn? Trước mỗi thông tin được truyền tải - tiếp nhận, làm thế nào để phân biệt đó là dư luận xã hội hay tin đồn?

Dư luận xã hội (Public Opinion) đã có rất nhiều định nghĩa về dư luận xã hội với các quan điểm và cách tiếp cận khác nhau. Xin giới thiệu khái niệm về dư luận xã hội thường xuyên được trích dẫn trong các bài viết, bài nghiên cứu về dư luận đó là: “Dư luận xã hội là tổng thể các ý kiến, trong đó chủ yếu là các ý kiến thể hiện sự phán xét đánh giá, sự nhận định (bằng lời hoặc không bằng lời), phản ánh ý nghĩa của các thực tế, quá trình, hiện tượng, sự kiện đối với các tập thể, giai cấp, xã hội nói chung và thái độ công khai hoặc che đậy của các nhóm xã hội lớn nhỏ đối với các vấn đề của cuộc sống xã hội có động chạm đến các lợi ích chung của họ” (theo Paderin).

Còn “Tin đồn” (Rumor) được đề cập một cách thông thường nhất đó là thông tin chưa được xác minh hoặc lời giải thích về các sự kiện, lan truyền từ người này sang người khác và liên quan đến một đối tượng, sự kiện hoặc vấn đề công chúng quan tâm.

Tuy nhiên, giữa dư luận xã hội và tin đồn giống nhau trước hết ở chỗ cả hai đều là hiện tượng tâm lý xã hội, tâm lý đặc trưng cho nhóm người nhất định. Về cơ chế, dư luận xã hội và tin đồn đều lan truyền nhanh và dễ biến dạng. Tin đồn và dư luận xã hội đều chi phối mạnh nhu cầu, lợi ích của cá nhân, nhóm xã hội nhất định. Mối quan hệ giữa dư luận xã hội và tin đồn vừa là quan hệ cộng hưởng vừa mang tính loại trừ sâu sắc. Tin đồn có thể đưa tới dư luận xã hội hoặc không (tùy thuộc đối tượng khách quan - sự kiện, vấn đề xã hội được đề cập có thật hay không, có được thực thi hay không?).

Ở tỉnh ta, nhiều thông tin bị xuyên tạc, bóp méo như Dự án Hồ chứa nước Ta Hoét, các thế lực thù địch dựng lên câu chuyện giật gân để đánh lừa dư luận rằng người K’Ho ở Lâm Đồng bị chính quyền cướp đất, nhằm gây rối an ninh trật tự. Hoặc trong dịp Lễ 30/4 và 1/5/2024 vừa qua, nhiều trang hội nhóm, các tài khoản mạng xã hội phát tán thông tin “Đà Lạt có biến lớn, bạo động, khủng bố, bắn súng; gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Gần đây nhất, một số đối tượng đăng tải, hình ảnh về cơn bão Yagi gán ghép vào cơn bão số 3, đăng tải, phát tán trên mạng xã hội, khiến người dân hiểu sai về tình hình bão lũ, ảnh hưởng đến công tác phòng, chống thiên tai, cứu nạn, cứu hộ của các cơ quan chức năng...

Hiện nay, các thế lực thù địch, phản động, vẫn lợi dụng những tin đồn để xuyên tạc bóp méo sự thật, công kích, chống phá trên nhiều lĩnh vực. Thêm vào đó, trước những “vấn đề nóng” mang tính thời sự mà người dân quan tâm, chúng lợi dụng những KOLS (những người có tầm ảnh hưởng trên mạng) hay những tờ báo không chính thống đưa tin không đúng sự thật với những phân tích, đánh giá thiếu khách quan, phiến diện làm nhiễu thông tin. Tác hại của những quan điểm sai trái, thông tin sai lệch là rất lớn, do đó công tác nắm bắt, định hướng dư luận xã hội đóng vai trò đặc biệt quan trọng và là nhiệm vụ thường xuyên trong công tác tư tưởng của Đảng và chính quyền các cấp. Thực hiện tốt công tác này sẽ làm cho những tin đồn nhảm, thông tin xấu độc không có cơ hội phát triển và tạo sự đồng thuận trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân.

Do đó, trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp chính quyền cần coi trọng mối quan hệ biện chứng giữa dư luận xã hội và tin đồn. Từ đó, làm thất bại âm mưu của một số thế lực chống đối chính quyền, có ý đồ tạo ra sự bất ổn xã hội bằng những tin đồn thất thiệt, làm nhiễu loạn thông tin về tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh của địa phương.

 

(LĐ online)

Lượt xem: 42
Văn bản mới
  • Số 200-HD/BTGTU 19/11/2024 Các hình thức tổ chức biểu dương, khen thưởng và gặp mặt các tập thể, ...
  • Số 198-HD/BTGTU 01/11/2024 Hướng dẫn công tác tuyên truyền và tuyên truyền miệng tháng 11 năm 2024
  • Số 1423-CV/BTGTU 28/10/2024 Tuyên truyền kỷ niệm 70 năm sự kiện Tập kết ra Bắc (1954-2024)
  • Số 1415-CV/BTGTU 23/10/2024 Hướng dẫn trang trí khánh tiết đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 ...
  • Số 9743-HD/BTGTW 16/10/2024 Hướng dẫn trang trí khánh tiết đại hội đảng bô các cấp nhiệm kỳ 2025-2023 ...
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 004159639
  •  Đang online: 143
  •  Trong tuần: 35.340
  •  Trong tháng: 163.099
  •  Trong năm: 1.860.680