Phê phán, bác bỏ luận điệu “đổi mới ở Việt Nam đã cạn kiệt nguồn lực” In trang
22/11/2021 10:38 SA

Công cuộc đổi mới ở nước ta không chỉ đạt được những thành tựu to lớn qua 35 năm thực hiện mà còn tiếp tục được đẩy mạnh với những nguồn lực phong phú và hết sức to lớn, trong đó có những nguồn lực không bao giờ cạn.

Một góc Thủ đô Hà Nội
Một góc Thủ đô Hà Nội

Hành trình đổi mới đã và đang kết hợp tất cả 3 yếu tố: Thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Đó là động lực lớn nhất, là yếu tố cơ bản nhất tạo nên khả năng thành công của mục tiêu cao cả: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Công cuộc đổi mới 35 năm qua đã thực sự gắn bó với vận mệnh dân tộc, vận mệnh đất nước, gắn bó với mỗi người chúng ta và được bạn bè quốc tế quan tâm đến như một lẽ đương nhiên. Chính vì thế, mọi biểu hiện của đổi mới luôn được nhiều người chăm chú theo dõi, phân tích, đánh giá, nhận định. Trong nhiều nhiệm kỳ đại hội Đảng vừa qua, công cuộc đổi mới luôn được Đảng ta xác định rõ ngay trong chủ đề của đại hội.

Tuy nhiên, thời gian qua vẫn có một số đối tượng ác ý tung ra những luận điệu đả kích, chống phá trắng trợn, hoặc một số thế lực muốn lái chúng ta đi theo con đường khác. Những luận điệu đen tối đó cho rằng đổi mới như vậy coi như đã xong, nay cần xem xét lại vì đã không còn động lực. Ý kiến khác đòi hỏi phải đổi mới mạnh mẽ hơn về chính trị để tạo thêm động lực, nếu không, trước sau cũng sẽ đưa đến tàn lụi đất nước. Tựu trung, chủ ý thâm độc nhất cho rằng đổi mới đã cạn kiệt nguồn lực, từ sau Đại hội XIII không đổi mới nữa, hoặc nếu có đổi mới thì đổi mới về chính trị mà thôi.

Những luận điệu xuyên tạc, đơm đặt như vậy đã bị phủ định hoàn toàn bởi những lý do then chốt sau đây:

Kiên định đổi mới nhưng không thay đổi bản chất chế độ xã hội chủ nghĩa

Trước hết, cần khẳng định bản chất và nhiệm vụ của công cuộc đổi mới. Đổi mới là một cuộc vận động mang tính cách mạng không ngừng để thay cái cũ bằng cái mới tốt hơn. Đổi mới vừa là sự thay thế cái cũ, vừa là sự chọn lựa cái cũ, cái hiện đang còn tác dụng để cải biến cho nó trở nên thích dụng hơn. Đổi mới có thể coi là một sự phủ định biện chứng: Không bao giờ phủ định sạch trơn và không bao giờ quay lại cái cũ. Đổi mới đồng bộ, hài hòa giữa kinh tế và chính trị với mục tiêu giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội ở nước ta.

Có người khuyên Việt Nam: “Muốn phát triển thì cần tư nhân hóa nhanh hơn, hội nhập thương mại nhanh hơn, phá giá đồng tiền mạnh hơn”. Lời khuyên đó dẫu có chân thành thì chúng ta cũng không thể làm như thế. Bởi vì, hơn ai hết, chúng ta hiểu rõ tình hình thực tế của đất nước mình và chúng ta thực hiện đổi mới nhưng có nguyên tắc, đổi mới nhưng không thay đổi bản chất chế độ xã hội. Đổi mới là thực hiện bước chuyển từ cơ chế tập trung, quan liêu, bao cấp sang cơ chế thị trường, nhưng trong khi thực hiện cơ chế thị trường, Nhà nước phải quản lý và điều hành theo định hướng xã hội chủ nghĩa, khắc phục tình trạng thả nổi thị trường; đổi mới để phát triển kinh tế, nhưng sự phát triển đó phải đi đôi với thực hiện công bằng xã hội, khắc phục tình trạng phân hóa giàu-nghèo. Đổi mới có yêu cầu và gắn với mở cửa, hội nhập. Đổi mới có yêu cầu và gắn với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Toàn bộ công cuộc hội nhập-mở cửa, đẩy mạnh công nghiệp hóa-hiện đại hóa đất nước là để thực hiện chiến lược phát triển nhanh và bền vững; là để xây dựng và tăng cường lực lượng sản xuất, củng cố và phát triển quan hệ sản xuất phù hợp; là để nâng tầm đất nước lên trình độ mới, tầm cao mới. Vậy nên đổi mới chính là để hướng tới chủ nghĩa xã hội, để hiện thực quá độ lên chủ nghĩa xã hội ngày càng được xác lập rõ ràng hơn.

Đổi mới và cải cách có cùng nội dung hướng tới cái mới, cái tốt đẹp hơn. Nhưng cải cách thường được hiểu là những hành động nhất định, những cuộc vận động nhất định nhằm những mục tiêu nhất định. Khi những hành động cải cách ấy, những cuộc vận động cải cách ấy đã đạt tới mục tiêu đề ra thì phải có hành động cải cách mới, cuộc vận động cải cách mới. Còn đổi mới, theo cách hiểu của chúng ta, tuy cũng nhằm những mục tiêu nhất định trong những thời kỳ nhất định, song do bản chất và tính tất yếu của nó, lại là một quá trình lâu dài. Đổi mới như một dòng chảy liên tục, vận động liên tục của cả guồng máy xã hội do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng, phát động và lãnh đạo, tổ chức thực hiện. Các Đại hội VII, VIII, IX, X, XI, XII và XIII của Đảng đều khẳng định tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới để đưa đất nước đi lên. Lời hiệu triệu đó rất phù hợp với yêu cầu của thực tiễn và ý nguyện của nhân dân.

Thành tựu đổi mới là bằng chứng thực tiễn sinh động nhất

Qua 35 năm đổi mới, “đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện so với trước đổi mới. Quy mô, trình độ nền kinh tế được nâng lên. Đời sống nhân dân cả về vật chất và tinh thần được cải thiện rõ rệt. Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Đây là niềm tự hào, là động lực, là nguồn lực quan trọng, là niềm tin để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tiếp tục vững bước trên con đường đổi mới toàn diện, đồng bộ, phát triển nhanh và bền vững đất nước"(1).

Nhìn lại những nét chính yếu của hành trình đổi mới, chúng ta thấy rõ nhận định nêu trên của Đại hội XIII là chính xác. Công cuộc đổi mới đã giải phóng sức sản xuất, củng cố và tăng cường quan hệ sản xuất mới, đưa đất nước ta ra khỏi tình trạng của một nước có thu nhập thấp; đời sống nhân dân được cải thiện đáng kể; ổn định chính trị-xã hội được bảo đảm; định hướng xã hội chủ nghĩa được giữ vững; vai trò lãnh đạo của Đảng được tăng cường; quốc phòng, an ninh được củng cố vững chắc; quan hệ hợp tác quốc tế ngày càng được đẩy mạnh thêm.

Chính đổi mới đã đưa nước ta từ chỗ thiếu thốn, có khi phải nhập lương thực, nay trở thành nước xuất khẩu gạo đứng thứ hai thế giới. Chưa bao giờ nhịp độ phát triển và đổi thay từ nông thôn tới thành thị, từ miền núi đến đồng bằng lại nhanh chóng, mạnh mẽ như hiện nay. Cũng chưa bao giờ phong cách sống và làm việc của mọi gia đình và mọi người dân lại có những nét mới mẻ, tươi tắn như hôm nay. Đổi mới giúp chúng ta vừa kế thừa và phát huy những thành quả tốt đẹp đã đạt được trước đây vừa có cách nghĩ khác trước, nghe khác trước, nhìn khác trước, làm khác trước, phù hợp với tình hình đang phát triển. Đổi mới đã đem đến một sức vóc mới cho đất nước, tiếp sức đôi chân chúng ta đi thêm những bước dài trên con đường hướng tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Tuy vậy, trong tiến trình đi lên, tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới, chúng ta không quên rằng đất nước mình vẫn còn nhiều khó khăn, sự phát triển của nền kinh tế chưa vững chắc, hiệu quả và sức cạnh tranh còn thấp, còn nhiều yếu tố chưa bảo đảm tăng trưởng cao và lâu bền, còn tiềm ẩn những nhân tố gây mất ổn định, mà những nhân tố đó còn có phần tăng thêm. Rõ ràng là phía trước của chúng ta không chỉ có thuận lợi và thời cơ mà còn có những khó khăn và nguy cơ không thể xem thường. Càng như vậy càng phải tiếp tục đổi mới, tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức để đất nước tiếp tục phát triển bền vững.

Tiếp tục phát huy mạnh mẽ động lực, nguồn lực của đổi mới

 

Nếu quan niệm động lực, nguồn lực là những yếu tố tạo nên sức mạnh thúc đẩy sự phát triển thì động lực của đổi mới bao gồm nhiều yếu tố tiềm ẩn và hiển hiện có thể nhận biết được.

Một là, yếu tố khơi nguồn động lực của đổi mới chính là việc định hướng đúng, phát động đúng thời điểm. Chúng ta xác định đổi mới phải theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Định hướng đúng đắn cho sự nghiệp đổi mới vừa hợp thời, hợp quy luật, hợp lòng dân, vừa có sự chắc chắn, vững tin. Chuẩn bị kỹ và phát động đổi mới đúng lúc, đồng thời với mở cửa hội nhập nên chúng ta có thể chủ động và sáng tạo trong mọi tình huống, đã đứng vững và phát triển trong khi cải tổ, cải cách ở Liên Xô và Đông Âu bị thất bại.

Hai là, những thành quả của đổi mới lại tiếp thêm luồng sinh khí mới, tăng thêm động lực cho nó, tạo cho đất nước ta thế mới, lực mới, gia tốc mới. Thế mới và lực mới là tổng hợp những thành tựu to lớn về kinh tế-xã hội, là kết quả của việc phát triển mọi mặt với sự thông thoáng trong nước và mở rộng quan hệ hợp tác với bên ngoài. Gia tốc mới là khả năng vượt trội, là độ tăng trưởng liên tục ở mức khá cao, tạo đà cho giai đoạn kế tiếp. Thế mới, lực mới, gia tốc mới tạo ra tầm vóc và khả năng mới của đất nước. Đó không chỉ là khả năng đất nước vươn tầm mà còn là năng lực mới mạnh mẽ để tiếp tục thúc đẩy sự nghiệp đổi mới phát triển. Đổi mới được nạp thêm năng lượng mới.

Ba là, yếu tố quyết định là động lực và những nguồn lực trong nước. Động lực quan trọng phục vụ và thúc đẩy công cuộc đổi mới là tổng hợp các nguồn lực trong nước, bao gồm không chỉ có vốn, tài sản đã tích lũy được mà còn là tài nguyên chưa đưa vào sử dụng, là lợi thế về địa kinh tế, địa chính trị và quan trọng hơn hết là nguồn lực con người, bao gồm cả sức lao động trí tuệ và tinh thần gắn với truyền thống văn hóa của dân tộc ta. Trong các nguồn lực đó, nguồn lực về tài nguyên là khá phong phú; nguồn lực về đất đai, vị trí địa lý là khá thuận lợi; nguồn lực về truyền thống là sâu sắc, đặc thù; nguồn lực về con người và trí tuệ vô cùng to lớn.

Bốn là, những nguồn lực từ bên ngoài. Đây là một yếu tố quan trọng mà nếu biết cách tranh thủ cũng sẽ tạo nên động lực cho công cuộc đổi mới đất nước. Nguồn lực bên ngoài bao gồm: Vốn, kỹ thuật-công nghệ, kinh nghiệm quản lý, chất xám, tinh hoa văn hóa nhân loại. Trên cơ sở phải phát huy mọi nguồn lực trong nước, chúng ta có đầy đủ điều kiện để có thể thu hút nguồn lực bên ngoài. Với việc mở rộng nhiều hình thức, có bước đi, biện pháp và chính sách ưu đãi thích hợp, chúng ta nhất định khuyến khích mạnh mẽ việc hợp tác về kinh tế, văn hóa, khoa học, kỹ thuật, công nghệ; đặc biệt là thu hút đầu tư trực tiếp của nước ngoài vào nước ta trên cơ sở đôi bên cùng có lợi.

Năm là, sự phù hợp giữa ý Đảng và lòng dân. Đây là động lực mang tính quyết định đối với sự nghiệp đổi mới. Động lực đó bắt nguồn từ năng lực sáng tạo, bản lĩnh trí tuệ của Đảng ta và của nhân dân ta, thể hiện ở trình độ đoán định, nắm bắt những yếu tố và những vấn đề của thời cuộc, dự kiến đúng tình huống, xác định đường đi nước bước rõ ràng, sẵn sàng tạo lập và nắm bắt thời cơ, khắc phục nguy cơ, vượt qua thách thức đưa đất nước đi lên. Do đổi mới là sự phù hợp giữa ý Đảng và lòng dân nên khi Đảng ta phát động, nhân dân nhiệt tình hưởng ứng tạo thành động lực to lớn thực hiện có hiệu quả sự nghiệp đổi mới đất nước.

Rõ ràng, công cuộc đổi mới ở nước ta không chỉ đạt được những thành tựu to lớn qua 35 năm thực hiện mà còn tiếp tục được đẩy mạnh với những nguồn lực phong phú và hết sức to lớn, trong đó có những nguồn lực không bao giờ cạn. Hành trình đổi mới đã và đang kết hợp tất cả 3 yếu tố: Thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Đó là động lực lớn nhất, là yếu tố cơ bản nhất tạo nên khả năng thành công của mục tiêu cao cả: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.

 

GS, TS VŨ VĂN HIỀN, Nguyên Phó chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương

 

-----------

 

(1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, năm 2021, tập 1, tr.103-104.

 

Theo qdnd.vn

Lượt xem: 1.039
Văn bản mới
  • Số 200-HD/BTGTU 19/11/2024 Các hình thức tổ chức biểu dương, khen thưởng và gặp mặt các tập thể, ...
  • Số 198-HD/BTGTU 01/11/2024 Hướng dẫn công tác tuyên truyền và tuyên truyền miệng tháng 11 năm 2024
  • Số 1423-CV/BTGTU 28/10/2024 Tuyên truyền kỷ niệm 70 năm sự kiện Tập kết ra Bắc (1954-2024)
  • Số 1415-CV/BTGTU 23/10/2024 Hướng dẫn trang trí khánh tiết đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 ...
  • Số 9743-HD/BTGTW 16/10/2024 Hướng dẫn trang trí khánh tiết đại hội đảng bô các cấp nhiệm kỳ 2025-2023 ...
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 004171500
  •  Đang online: 128
  •  Trong tuần: 128
  •  Trong tháng: 174.960
  •  Trong năm: 1.872.541