Để tiếp tục triển khai thực hiện tốt Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị (khóa XIII), đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ngày càng lan tỏa sâu rộng và đi vào chiều sâu, trong thời gian qua, Thành ủy Đà Lạt đã chỉ đạo triển khai hiệu quả Mô hình “Xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh” ở các tổ chức cơ sở (TCCS) đảng trực thuộc Thành ủy, lấy khối giáo dục làm trung tâm.
Ra mắt mô hình ở Trường Tiểu học Đoàn kết
Mục tiêu xây dựng “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” ở các TCCS đảng trực thuộc Thành ủy là nhằm phát huy những giá trị văn hóa Hồ Chí Minh thông qua cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người, đồng thời qua đó nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên, thanh thiếu niên, nhi đồng và trong các tầng lớp Nhân dân về Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Bên cạnh đó, xây dựng “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” còn gắn với truyền thống lịch sử, văn hóa, con người Đà Lạt “Hiền hòa - Thanh lịch - Mến khách”. Qua đó, hướng đến xây dựng thành phố có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình, vì cả nước, cùng cả nước, vì hạnh phúc Nhân dân.
Sau hội nghị sơ kết rút kinh nghiệm mô hình điểm ở Đảng bộ Trường Trung học phổ thông (THPT) Trần Phú vào tháng 8/2024 (mô hình này được Ban Tuyên giáo Trung ương báo cáo điển hình tại Hội nghị khu vực miền Trung - Tây Nguyên được tổ chức ở Nha Trang - Khánh Hòa và đã được Ban Tuyên giáo Trung ương tặng Bằng khen), Thành ủy Đà Lạt tiếp tục chỉ đạo các TCCS đảng rút kinh nghiệm, triển khai xây dựng mô hình ở địa phương, cơ quan, đơn vị nhằm nhân rộng và lan tỏa mô hình này và sau khi tiếp thu các văn bản chỉ đạo của Thành ủy nhiều địa phương, đơn vị trên địa bàn thành phố đã triển khai xây dựng kế hoạch thực hiện và tiến hành ra mắt mô hình với nhiều cách làm mới, sáng tạo, hiệu quả. Đến thời điểm hiện nay đã có 25 TCCS đảng trực thuộc Thành ủy triển khai.
Một số TCCS đảng đã ra mắt mô hình với nhiều hình thức đa dạng, phong phú như: triển lãm, trưng bày tranh, ảnh, tư liệu, sách, báo về cuộc đời, hoạt động cách mạng của Bác; xây dựng Tủ sách Bác Hồ, liên kết tổ chức mô hình với không gian thư viện học đường,... (như Trường THPT Trần Phú, Trường THCS Lam Sơn, Trường Tiểu học Đoàn Kết, Trường Tiểu học Lê Lợi, Trường Tiểu học Xuân Trường...), nhằm khuyến khích phát triển văn hóa đọc trong đội ngũ cán bộ, giáo viên, học sinh, tạo hiệu ứng tích cực để đưa việc giới thiệu, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đi vào chiều sâu.
Một số đơn vị trường học đã tổ chức cho học sinh sinh hoạt định kỳ trong “không gian văn hóa Hồ Chí Minh“ 1 lần/tháng gắn với nội dung cụ thể của từng tổ, nhóm chuyên môn, như Tổ Sử - Địa - Giáo dục công dân sinh hoạt ngoại khóa cho học sinh “Tìm hiểu thân thế sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh”; Tổ Tiếng Anh tổ chức ngoại khóa bằng tiếng Anh với chủ đề “Tìm hiểu, quá trình hoạt động của Bác và cách Bác học ngoại ngữ”; Tổ Ngữ văn tổ chức cho học sinh “Thi kể chuyện về Bác”, thi viết bài cảm nhận về các tác phẩm của Bác...
Không chỉ vậy, nhiều đơn vị, địa phương đã ứng dụng công nghệ, đưa “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” lên mạng qua các hình thức: bảo tàng trực tuyến, lập trang web, fanpage, trang facebook, youtube, tiktok riêng,.. để chia sẻ các hình ảnh, video clip, phim tư liệu về Bác, những lời dạy của Bác cùng những gương điển hình người tốt, việc tốt... Nhờ đó, người dân trên mọi miền Tổ quốc, nhất là thanh, thiếu niên đều có thể tiếp cận, tìm hiểu, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người. Thành Đoàn Đà Lạt đã xây dựng Mô hình “Đưa thư viện điện tử vào trong cuộc sống”. Mô hình đã giới thiệu các video clip, sách về Chủ tịch Hồ Chí Minh, về phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, về xây dựng “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh”...
Có thể khẳng định rằng, xây dựng “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” là nhiệm vụ quan trọng, thu hút được sự tham gia đông đảo của cả hệ thống chính trị cũng như mọi tầng lớp Nhân dân trên toàn thành phố. Xây dựng “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” không chỉ là những công trình kiến trúc ngoài không gian công cộng, một góc trưng bày trong khuôn viên nhà trường hay những tác phẩm văn học - nghệ thuật, câu khẩu hiệu tuyên truyền, mà còn là tổng hòa nhiều yếu tố từ lối sống, phong cách, ứng xử, sự nghĩa tình, hướng đến hình thành lối sống cao đẹp, đầy nhân nghĩa và trách nhiệm của thầy và trò mang đậm chất văn hóa Hồ Chí Minh. Và cũng theo cách tiếp cận đó, “không gian văn hóa Hồ Chí Minh” không phải là một phong trào, không thể thực hiện theo các đợt, theo chỉ đạo mà phải được thực hiện thường xuyên, với tính ổn định, bền vững. Việc xây dựng Mô hình “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” được triển khai lan tỏa đã tác động tích cực đến nhận thức, tư tưởng và hành động của cán bộ, đảng viên, Nhân dân; các địa phương cũng đã triển khai thực hiện hiệu quả các cuộc vận động, các phong trào thi đua, cùng nhau góp sức vào xây dựng đảng bộ, chi bộ đạt nhiều kết quả.
Việc triển khai Mô hình “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” ở các địa phương, đơn vị là cách làm mới, sáng tạo rất trân trọng và ý nghĩa. Tuy vậy, để xây dựng được mô hình này các địa phương, đơn vị cần nghiên cứu lựa chọn không gian, điều kiện, đối tượng để chuẩn bị chu đáo, tránh hình thức; thường xuyên giao lưu, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau trong quá trình triển khai xây dựng các mô hình mới, cách làm sáng tạo; để không gian này tồn tại lâu dài các địa phương, đơn vị cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên; tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa ở không gian này; việc triển khai, nhân rộng mô hình ở các địa phương, đơn vị nhất là trong các cơ sở giáo dục cần phát huy vai trò của các tổ chức, đoàn thể như Công đoàn, Đoàn Thanh niên tích cực tham gia xây dựng mô hình mới. Theo chức năng và nhiệm vụ của mình, các tổ chức, đoàn thể tham mưu đề xuất với cấp ủy, lãnh đạo những nội dung, biện pháp, hình thức tổ chức phong trào thi đua về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; vận động các hội viên, đoàn viên tham gia và đẩy mạnh thực hiện đi vào chiều sâu, qua đó góp sức cùng lãnh đạo đơn vị, nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện; động viên, khen thưởng kịp thời các cá nhân, tập thể tích cực thực hiện; rút kinh nghiệm những việc làm chưa tốt, chưa phù hợp để điều chỉnh và đưa ra các giải pháp thực hiện có hiệu quả.
(LĐ online)