Bảo vệ chủ quyền quốc gia trong lĩnh vực điện ảnh In trang
21/07/2023 09:49 SA

Thời gian qua, việc một số bộ phim do nước ngoài sản xuất bị cơ quan chức năng kiên quyết xử lý, cấm phổ biến tại Việt Nam vì có nội dung xuyên tạc lịch xử, vi phạm chủ quyền quốc gia đã nhận được sự ủng hộ, đồng tình và đánh giá cao của dư luận.

Phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Thuận Phạm Ngọc Hòa trao đổi với học sinh về biển đảo.
Phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Thuận Phạm Ngọc Hòa trao đổi với học sinh về biển đảo.

Từ những diễn biến phức tạp của vấn đề này, đòi hỏi thời gian tới cần sự chủ động vào cuộc, sát sao hơn từ phía các cơ quan chức năng cũng như việc tham gia tích cực, ý thức trách nhiệm của cộng đồng trong tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các sai phạm trong lĩnh vực điện ảnh, nhất là trên nền tảng trực tuyến.

Ngày 9/7 vừa qua, Cục Điện ảnh đã ban hành Công văn số 870/ĐA-VP gửi Công ty Netflix và Công văn số 871/ĐA-VP gửi Công ty cổ phần Viễn thông FPT với nội dung yêu cầu gỡ bỏ phim "Hướng gió mà đi". Nội dung công văn cho biết Cục Điện ảnh đã tiến hành rà soát, kiểm tra toàn bộ nội dung phim "Hướng gió mà đi" (39 tập) được phổ biến trên không gian mạng cho thấy, hình ảnh "đường lưỡi bò" xuất hiện trên bản đồ trong nhiều cảnh phim, đồng thời còn kèm theo lời thoại và phụ đề "Rồi sẽ có ngày tấm bản đồ này đi đến rất nhiều nơi trên thế giới".

Công văn chỉ rõ việc thể hiện hình ảnh "đường lưỡi bò" và những nội dung trong lời thoại và phụ đề như nêu trên trong phim là không đúng, xâm phạm chủ quyền quốc gia của Việt Nam và vi phạm quy định tại điểm d khoản 1 Điều 9 Luật Điện ảnh 2022. Bộ phim khi được phát hành trên nền tảng trực tuyến bởi Công ty cổ phần Viễn thông FPT dù đã xử lý làm mờ hình ảnh bản đồ trong nhiều cảnh phim, tuy nhiên đây là phim có nội dung thể hiện không đúng, xâm phạm chủ quyền quốc gia Việt Nam nên không phù hợp để phổ biến tại Việt Nam.

Do đó tại hai công văn nêu trên, Cục Điện ảnh yêu cầu Công ty Netflix phải thực hiện gỡ bỏ phim "Hướng gió mà đi" tại địa chỉ tên miền https://www.netflix.com và ứng dụng Netflix; Công ty cổ phần Viễn thông FPT thực hiện gỡ bỏ phim "Hướng gió mà đi" tại địa chỉ tên miền https://fptplay.vn và ứng dụng FPT Play trong vòng 24 giờ kể từ 0h ngày 10/7/2023. Các đơn vị có liên quan đều đã thực hiện nghiêm việc gỡ bộ phim khỏi các nền tảng trực tuyến của mình theo yêu cầu của Cục Điện ảnh.

Thực tế, "Hướng gió mà đi" chỉ là một trong những bộ phim nước ngoài có hình ảnh bản đồ chứa "đường lưỡi bò" phi pháp khiến dư luận bức xúc dậy sóng, bị cơ quan chức năng phát hiện, xử lý trong thời gian gần đây. Bởi lẽ những hình ảnh xuyên tạc này gây ra nhận thức sai lệch về chủ quyền lãnh thổ của quốc gia, xâm hại quyền lợi ích hợp pháp của Việt Nam.

Nguy hiểm hơn, khi nội dung sai sự thật này lồng ghép vào các bộ phim được công chiếu rộng rãi sẽ tác động không nhỏ đến nhận thức của cộng đồng, nhất là giới trẻ. Nếu không tỉnh táo người xem rất có thể sẽ dễ bị dẫn dắt theo những nội dung, thông điệp sai trái, mặc nhiên thừa nhận điều đó là đúng đắn. Đây rõ ràng là hành vi xâm phạm an ninh văn hóa nghiêm trọng, đòi hỏi cần phải được ngăn chặn và lên án mạnh mẽ.

Điều đáng nói, tình trạng vi phạm này đang có những diễn biến phức tạp với những biểu hiện hết sức tinh vi. Như bộ phim "Barbie" của Mỹ (đã bị Cục Điện ảnh từ chối cấp phép phổ biến tại Việt Nam hồi đầu tháng 7/2023), hình ảnh bản đồ được cách điệu dưới dạng nét vẽ bút chì ngộ nghĩnh kiểu trẻ con, tuy nhiên những nét đứt đoạn mô phỏng "đường lưỡi bò" xuất hiện trên tấm bản đồ này lại khá nổi bật và dễ nhận ra.

Chưa kể, hình ảnh tấm bản đồ phi pháp này được xuất hiện lặp đi lặp lại nhiều lần trong phim, với khoảng thời gian kéo dài. Còn trong phim "Hướng gió mà đi", hình ảnh bản đồ có "đường lưỡi bò" lại được cho xuất hiện liên tục trên màn hình ghế máy bay. Trước đó, năm 2018 bộ phim "Điệp vụ biển đỏ" của Trung Quốc đã bị rút khỏi rạp chiếu tại Việt Nam vì vào hai phút cuối, nhà làm phim đã cài cắm vô lý những hình ảnh và chi tiết liên quan đến chủ quyền biển đảo không chính xác và không ăn nhập với nội dung phim...

Nếu lơ là, mất cảnh giác người xem rất có thể bỏ qua những thông tin nguy hiểm này. Trước thực trạng nêu trên, TS. Phạm Việt Long, nguyên Chánh Văn phòng Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) nhận định: "Những nội dung chính trị phản động ẩn trong các tác phẩm nghệ thuật khó phát hiện, xử lý hơn, do đó, đòi hỏi sự tinh tường và khôn khéo cùng những biện pháp nghiệp vụ, công nghệ cao hơn".

Việc các cơ quan chức năng Việt Nam đã kiên quyết xử lý các sai phạm trong lĩnh vực điện ảnh, nhất là những sai phạm liên quan đến chủ quyền quốc gia, và đã được dư luận trong nước cũng như ngoài nước đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao. Một số quốc gia đã tham khảo, học tập cách làm của Việt Nam. Tiêu biểu có thể kể đến trường hợp bộ phim truyền hình "Pine Gap" dài 6 tập của Australia xuất hiện những hình ảnh không chính xác về chủ quyền biển, đảo của các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á.

Ngày 30/6/2021, Công ty Netflix đã buộc phải gỡ bỏ bộ phim khỏi nền tảng trực tuyến phát tại Việt Nam theo yêu cầu của cơ quan chức năng. Sau đó, ngày 1/11/2021, Netflix cũng đã buộc phải xóa 2 tập của phim truyền hình gián điệp Pine Gap khỏi dịch vụ phát trực tuyến của Netflix ở Philippines, sau khi quốc gia Đông Nam Á này chính thức lên tiếng phản đối một số cảnh trong phim với hình ảnh bản đồ có "đường lưỡi bò" được đưa vào bộ phim đã vi phạm chủ quyền của Philippines.

Theo Hội đồng thẩm định phim Philippines, sự xuất hiện của bản đồ có đường 9 đoạn "không phải là ngẫu nhiên, nó được thiết kế và tính toán một cách có chủ ý để truyền tải cụ thể thông điệp "đường 9 đoạn" của Trung Quốc tồn tại một cách hợp pháp". Hội đồng tin rằng "tấm bản đồ như vậy là một âm mưu nhằm duy trì, khắc sâu hình ảnh "đường 9 đoạn" phi pháp vào ý thức của thế hệ người xem hiện tại và các thế hệ tiếp theo" do đó "không thích hợp để trình chiếu công khai".

Chủ quyền lãnh thổ quốc gia là thiêng liêng và bất khả xâm phạm. Quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam là tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích của tất cả các nước theo quy định của luật pháp quốc tế; đồng thời yêu cầu các nước tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, Hiến pháp, pháp luật của Việt Nam.

Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư diễn ra mạnh mẽ, không gian mạng đã thật sự trở thành không gian chiến lược, được xác định là "không gian thứ năm, chiến trường thứ năm, miền thứ năm của quốc gia, bên cạnh vùng đất, vùng trời, vùng biển và không gian vũ trụ". Từ đây đặt ra những yêu cầu mới trong vấn đề bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng. Liên quan đến lĩnh vực điện ảnh, sự xuất hiện và có chiều hướng gia tăng các bộ phim có hình ảnh, nội dung sai lệch về biên giới lãnh thổ, chủ quyền biển đảo đòi hỏi cần phải được phát hiện và ngăn chặn kịp thời.

Tuy nhiên điều khiến dư luận băn khoăn đó là nếu như với các phim chiếu rạp, việc kiểm soát, cấp phép phổ biến được thực hiện bởi Hội đồng thẩm định do cơ quan chức năng có thẩm quyền phê duyệt nên sẽ bảo đảm sát sao, chặt chẽ hơn, hạn chế sót lọt các nội dung vi phạm quy định của pháp luật; thì việc quản lý đối với phim phổ biến trên không gian mạng hiện nay vẫn còn không ít vướng mắc.

Tại Điều 21 Luật Điện ảnh quy định, chủ thể được phép phổ biến phim trên không gian mạng là doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, tổ chức thực hiện hoạt động phổ biến phim theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan; buộc phải gỡ bỏ phim vi phạm khi có yêu cầu bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Như vậy có thể thấy việc xử lý đối với phim có vi phạm trên không gian mạng chỉ xảy ra khi phim đã được phổ biến trên các nền tảng trực tuyến.

Như phim "Hướng gió mà đi", truy tìm trên một số trang mạng cho thấy, bộ phim đã phổ biến trên một số nền tảng trực tuyến từ ngày 26/12/2022, song phải đến ngày 10/7/2023, phim mới bị gỡ bỏ sau khi các sai phạm bị phát hiện và có yêu cầu bằng văn bản của Cục Điện ảnh. Như vậy trong thời gian hơn 6 tháng, không ít khán giả trong nước đã tiếp cận bộ phim này và những nội dung phản cảm, xuyên tạc,… xuất hiện trong phim ít nhiều đã tác động tiêu cực đến người xem.

Điều này cho thấy nếu sai phạm càng chậm bị phát hiện thì hậu quả càng khó lường. Chưa kể một số sai phạm tinh vi rất có thể xuất hiện trong một số bộ phim nhưng hiện vẫn chưa được phát hiện. Trong khi đó, những trường hợp bị xử lý thời gian qua thì mức xử phạt còn khá nhẹ (chủ yếu là xử lý hành chính với mức phạt tiền chỉ vài chục triệu đồng, gỡ bỏ phim khỏi hệ thống, cấm phổ biến), chưa thực sự đủ sức răn đe, ngăn chặn.

Đã xuất hiện tình trạng một số đơn vị đặt nặng mục tiêu lợi nhuận, cố tình nhập phim dù biết có chứa nội dung vi phạm để phát hành, phổ biến rộng rãi, khi bị cơ quan chức năng xử lý thì… vui vẻ nộp phạt để rồi lần sau tái diễn!

Do đó cơ quan chức năng cần nhanh chóng nắm bắt diễn biến phức tạp của tình trạng nêu trên để có những biện pháp xử lý kịp thời, hiệu quả. Theo đó, những vi phạm cần được phát hiện và ngăn chặn từ sớm, để các sản phẩm độc hại này không có cơ hội tiếp cận khán giả.

Đối mặt với số phim chiếu mạng ngày càng gia tăng, các cơ quan chức năng cần bổ sung nguồn nhân lực có trình độ cao, chú trọng đầu tư công nghệ, kỹ thuật để giúp phát hiện, sàng lọc từ sớm các sai phạm, như nhận diện được những hình ảnh bản đồ bị làm sai lệch, những nội dung xuyên tạc lịch sử,…

Nghiên cứu mức xử phạt có sức răn đe cao như đình chỉ, thậm chí rút giấy phép hoạt động nếu tổ chức, cá nhân sai phạm nhiều lần. Bên cạnh đó mỗi người dân cũng cần nêu cao cảnh giác, phát huy tính chủ động và ý thức trách nhiệm của mình, tự giác loại trừ những sản phẩm nghệ thuật vi phạm, tham gia hỗ trợ cho công tác quản lý nhà nước về hoạt động phổ biến phim.

Khán giả có quyền khước từ, tẩy chay, báo cáo cơ quan chức năng về những sản phẩm điện ảnh dung tục, kiên quyết phản đối những bộ phim xuyên tạc lịch sử dân tộc, chủ quyền quốc gia. Cần xác định việc nâng cao nhận thức về chủ quyền quốc gia cũng là trách nhiệm chung của cả cộng đồng, nhất là với giới trẻ. Bởi khi bị chính khán giả phản đối, quay lưng lại, các sản phẩm điện ảnh có nội dung sai phạm thiếu lành mạnh sẽ không thể tồn tại./.

 

THÀNH NAM (nhandan.vn)

Lượt xem: 736
Văn bản mới
  • Số 200-HD/BTGTU 19/11/2024 Các hình thức tổ chức biểu dương, khen thưởng và gặp mặt các tập thể, ...
  • Số 198-HD/BTGTU 01/11/2024 Hướng dẫn công tác tuyên truyền và tuyên truyền miệng tháng 11 năm 2024
  • Số 1423-CV/BTGTU 28/10/2024 Tuyên truyền kỷ niệm 70 năm sự kiện Tập kết ra Bắc (1954-2024)
  • Số 1415-CV/BTGTU 23/10/2024 Hướng dẫn trang trí khánh tiết đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 ...
  • Số 9743-HD/BTGTW 16/10/2024 Hướng dẫn trang trí khánh tiết đại hội đảng bô các cấp nhiệm kỳ 2025-2023 ...
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 004158212
  •  Đang online: 157
  •  Trong tuần: 33.913
  •  Trong tháng: 161.672
  •  Trong năm: 1.859.253