Để nghị quyết đi vào cuộc sống, thì khâu đầu tiên, cấp thiết hiện nay là phải đổi mới phương thức xây dựng nghị quyết, nhất là ở cấp cơ sở. Các cấp cần đặc biệt quan tâm lãnh đạo, quyết liệt đổi mới một cách căn bản việc xây dựng nghị quyết theo hướng ngắn, gọn, thực chất, sát thực tế; quyết liệt chống “bệnh ôm đồm”, dài dòng trong thể hiện văn phong nghị quyết.
(Hình minh họa)
Liên quan đến vấn đề đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng thông qua lãnh đạo bằng nghị quyết, một cán bộ ở cơ quan chiến lược nọ đã thẳng thắn nêu nhận định, rằng hiện nay, nghị quyết của nhiều tổ chức đảng ở cơ sở đang rơi vào tình trạng quá dài dòng văn tự; đọc thì khá hay nhưng khó triển khai trên thực tế.
Cán bộ này lý giải, có lẽ những người “chủ biên” bị vướng vào tâm lý sợ đối tượng được quán triệt, học tập không hiểu hết ý mà họ viết ra; đồng thời sợ nghị quyết thiếu nội dung, thiếu toàn diện...
Thực tế cho thấy, không ít nghị quyết của tổ chức đảng ở cơ sở; nhất là ở cấp chi bộ lại dành dung lượng khá lớn để đánh giá tình hình thế giới, khu vực, trong nước và dự báo những vấn đề rất ít liên quan đến chức năng, nhiệm vụ và đặc thù công tác lãnh đạo, chỉ đạo trên thực tế. Có chi bộ còn “sao chép”, “biên tập” một số nội dung nghị quyết của cấp trên, rồi biến nó thành chủ trương của cấp mình. Lại có chi bộ ban hành nghị quyết một cách cầu toàn, vấn đề nào cũng đề cập, nội dung nào cũng “đá” một ít như để khẳng định: Tổ chức đảng phải lãnh đạo toàn diện mọi mặt công tác và điều đó phải được thể hiện trong nội dung nghị quyết.
Đó là những nhận thức và cách làm sai lệch. Cần nhớ lại sự mực thước nêu gương và những lời răn dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh-Người sáng lập và rèn luyện Đảng ta. Theo đó, khi trực tiếp biên soạn các văn kiện, văn bản, nghị quyết quan trọng, có tính chiến lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện hết sức ngắn gọn, súc tích. Ví như, Chánh cương vắn tắt của Đảng chỉ có 265 từ; Sách lược vắn tắt của Đảng: 251 từ; Tuyên ngôn Độc lập:1.085 từ; Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến: 205 từ; Di chúc hơn 1.000 từ... Ngắn và gọn là thế, nhưng văn bản nào của Người khi được ban hành cũng đều được đông đảo quần chúng tiếp nhận, quyết tâm thực hiện, tạo nên các cao trào cách mạng mạnh mẽ trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân!
Chủ tịch Hồ Chí Minh viết ngắn gọn, súc tích là bởi Người luôn bám sát mục đích cao nhất là nhằm tuyên truyền, lãnh đạo, giáo dục, giác ngộ cán bộ, quần chúng. Người chỉ rõ: “Mình viết ra cốt là để giáo dục, cổ động; nếu người xem mà không nhớ được, không hiểu được, là viết không đúng, nhằm không đúng mục đích...”. Đặc biệt, Hồ Chí Minh thẳng thắn phê phán: “Nhiều anh em hay viết dài. Viết dòng này qua dòng khác, trang này qua trang khác. Nhưng không có ích cho người xem. Chỉ làm tốn giấy tốn mực, mất công người xem”.
Trong nhiều năm qua, các cơ quan chức năng của Trung ương luôn quyết liệt chỉ đạo, hướng dẫn việc xây dựng, ban hành nghị quyết ở tất cả các cấp; tập trung vào đổi mới việc xây dựng nghị quyết ở cấp cơ sở theo hướng ngày càng đi vào thực chất, ngắn gọn, dễ đọc, dễ hiểu, dễ triển khai. Ấy nhưng, tinh thần đó qua các cấp chưa được quán triệt đầy đủ; trong khi công tác kiểm tra, bồi dưỡng, chỉnh huấn... còn nhiều khuyết yếu, có nơi còn “bỏ ngỏ”. Đây chính là một trong nhiều nguyên nhân khiến cán bộ, đảng viên và quần chúng sinh ra căn bệnh ngại học nghị quyết. Nhiều ý kiến ngụy biện rằng, việc ngại học, ngại đọc nghị quyết là bởi văn kiện này thường có quá nhiều nội dung, các vấn đề chung chung, khá giống nhau qua các năm, quý, tháng; có chăng chỉ là sự thay đổi những con số, những chỉ tiêu, còn văn phong, cách diễn đạt thì vẫn na ná theo lối cũ. Cũng bởi thế mà dù nghị quyết được ban hành đều đặn theo đúng quy định, nhưng “hiệu quả lãnh đạo”, “khả năng hiện thực” nghị quyết vào cuộc sống ở cấp cơ sở vẫn còn không ít khó khăn, vướng mắc.
Để nghị quyết đi vào cuộc sống, thì khâu đầu tiên, cấp thiết hiện nay là phải đổi mới phương thức xây dựng nghị quyết, nhất là ở cấp cơ sở. Các cấp cần đặc biệt quan tâm lãnh đạo, quyết liệt đổi mới một cách căn bản việc xây dựng nghị quyết theo hướng ngắn, gọn, thực chất, sát thực tế; quyết liệt chống “bệnh ôm đồm”, dài dòng trong thể hiện văn phong nghị quyết. Việc làm đó cần được tiến hành đồng bộ, mạnh mẽ, kết hợp giữa hướng dẫn với kiểm tra, uốn nắn; tạo một đợt sinh hoạt chính trị rộng khắp trong hệ thống tổ chức đảng. Từng cấp ủy nêu cao trách nhiệm trong thảo luận, quyết nghị các chủ trương, giải pháp lãnh đạo; nhưng cũng đồng thời đặt ra những yêu cầu cao về dung lượng nghị quyết, tất yếu phải “gọt bỏ”, “gọt bớt” những nội dung, câu từ dài dòng, hoa mỹ, sáo rỗng. Nghị quyết tốt nhất phải ngắn gọn, cô đọng, có trọng tâm, đúng tầm, sát thực, dễ triển khai.
Với những người có trách nhiệm trực tiếp soạn thảo nghị quyết, phải luôn khắc nhớ sâu sắc lời phê bình của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Viết làm gì dài dòng và rỗng tuếch như thế? Chỉ có một cách trả lời: Là quyết không muốn cho quần chúng xem. Vì đã dài lại rỗng, quần chúng trông thấy đã lắc đầu, ai còn dám xem nữa? Kết quả chỉ để cho những ai vô công rồi nghề xem, và người xem cũng mắc phải thói xấu như người viết”.
Công bằng mà nói, đổi mới cách xây dựng nghị quyết của tổ chức đảng ở cơ sở không chỉ là việc cải cách hành chính trong Đảng, mà cao hơn là một giải pháp quan trọng để Đảng ta mạnh lên từ cơ sở, nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo của Đảng trong tình hình mới! Đó là một việc cần kíp!./.
(Theo Tạp chí ban Tuyên giáo Trung ương)