Cần cảnh giác với “Quyền lực mạng” In trang
16/05/2022 09:15 SA

Thời gian gần đây, bà Nguyễn Phương Hằng, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đại Nam bị cơ quan công an thành phố Hồ Chí Minh khởi tố, bắt tạm giam về hành vi “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” theo Điều 331, Bộ luật Hình sự, không chỉ làm “nóng” dư luận trong nước mà trên một số trang mạng hải ngoại, một số tổ chức cá nhân đã cố tình đánh tráo bản chất các vụ án hình sự thành những vấn đề chính trị nhằm đả kích, chống phá Nhà nước Việt Nam.

Công an TP HCM thực hiện lệnh khám xét nhà bà Nguyễn Phương Hằng.
Công an TP HCM thực hiện lệnh khám xét nhà bà Nguyễn Phương Hằng.

Theo các cơ quan chức năng, Quyết định này được đưa ra sau một thời gian dài bà Nguyễn Phương Hằng lợi dụng sức ảnh hưởng của bản thân, sử dụng mạng xã hội tổ chức nhiều buổi phát trực tiếp (livestream) nội dung thông tin chưa được kiểm chứng, liên quan đến đời tư của người khác; trong đó sử dụng những ngôn từ mang tính chất nhục mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của các cá nhân và tổ chức. Những hành vi của Nguyễn Phương Hằng không chỉ gây bức xúc dư luận mà còn trực tiếp gây mất an ninh trật tự trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương khác. Điều đáng nói là quá trình điều tra, bị can có thái độ không hợp tác, coi thường pháp luật.

Ngày 31/3/2022, phát biểu khi tham dự Hội nghị do Ban Nội chính Trung ương chủ trì với nội dung sơ kết 7 năm thực hiện Quy chế phối hợp giữa Ban Nội chính Trung ương với Đảng ủy Công an Trung ương, Ban cán sự Đảng Tòa án nhân dân tối cao, Ban cán sự Đảng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Phó trưởng ban về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực Võ Văn Thưởng cho rằng, vụ bà Nguyễn Phương Hằng và vụ thao túng thị trường chứng khoán của ông Trịnh Văn Quyết là các vụ việc sai phạm có tính chất thách thức đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, thách thức dư luận xã hội phải xử lý nghiêm minh, kịp thời.

Đó là một ý kiến chỉ đạo của người lãnh đạo sát thực tế, đầy trách nhiệm, được dư luận đồng tình. Vậy mà, ngay hôm sau (01/4/2022) trả lời phỏng vấn Đài Châu Á tự do RFA, “nhà báo độc lập” Nguyễn Ngọc Già lu loa rằng: “tuyên bố của ông Võ Văn Thưởng cho thấy khi bắt bà Nguyễn Phương Hằng đã được Bộ Chính trị đồng ý”! Thế là câu chuyện trở nên trầm trọng hơn so với nhận thức của dư luận trước đó và tăng thêm sự quan tâm của dư luận. Cũng chính tác giả này lý giải, tung hô: “Bà Hằng thách thức danh dự của nhà cầm quyền CSVN, tức mang tính chính trị. Còn ông Quyết thách thức khả năng quản trị quốc gia tức về mặt kinh tế”.

Xin thưa rằng! Rất nhiều người nhận thấy các vụ án trên thách thức pháp luật ở chỗ, nó xảy ra trong thời gian dài, các cá nhân ngang nhiên xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân. Nguyễn Phương Hằng đã nhiều lần bị nhắc nhở, xử phạt hành chính. Nhưng, các cơ quan chức năng cũng bình tĩnh tiến hành những bước đi thận trọng, thu thập đủ chứng cứ sau đó mới thực hiện các hoạt động tố tụng. Ngạn ngữ Nhật Bản có câu: “Cẩn thận là bùa hộ mệnh” mà. Quả thực, khi bắt hai cá nhân này, phần lớn dư luận tỏ rõ sự đồng tình, thể hiện niềm tin vào các cơ quan bảo vệ pháp luật của Việt Nam.

Lạ thật! Hễ có hiện tượng gì trong xã hội Việt Nam mà đa phần là việc làm đúng đắn của các cơ quan chức năng đều bị các “nhà dân chủ” giả hiệu xuyên tạc, lèo lái.

Việc bắt tạm giam bà Nguyễn Phương Hằng là cần thiết rồi, nhưng trước đó truyền thông hải ngoại cứ lải nhải đơm đặt rằng, bà Hằng có thế lực chính trị hậu thuẫn nên được ngang nhiên, phách lối, thậm chí họ dựng chuyện “suy tôn” vợ chồng bà Hằng là công cụ chính trị để chấn chỉnh, tranh giành ảnh hưởng ở Việt Nam.

Sau khi cơ quan cảnh sát điều tra khởi tố, tạm giam bà Nguyễn Phương Hằng để điều tra về tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” thì họ lại quay ngoắt vu cáo Việt Nam không có “tự do ngôn luận”, đòi xóa điều 331, Bộ luật Hình sự, họ cho rằng đây là điều luật “mơ hồ” nhằm “chụp mũ lên bất kỳ đối tượng nào khi muốn trừng trị”.

Như vậy, cùng một lúc Nguyễn Phương Hằng được “đóng” hai vai, từ vị thế được “chính quyền chống lưng”, giới “dân chủ” đã ngay lập tức biến bà Hằng thành “nạn nhân của chính quyền” hoặc chính trị hóa vụ việc bằng việc xuyên tạc “bắt bà Nguyễn Phương Hằng đã được Bộ Chính trị đồng ý”?!.

Đúng là “lưỡi không xương nhiều đường lắt léo”, một sự lật lọng trắng trợn, lá mặt lá trái nhằm tạo sự bất mãn trong dư luận xã hội để chống phá Việt Nam.

Cùng với việc hoàn thiện kỹ thuật lập hiến, bảo đảm để Hiến pháp thực sự là đạo luật cơ bản, có tính chất ổn định, lâu dài, Việt Nam đã và đang hoàn thiện dần hệ thống luật pháp. Đối với điều 331 Bộ luật Hình sự về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”, đâu chỉ ở Việt Nam mà hàng loạt quốc gia đều đặt ra những điều khoản cụ thể để ngăn chặn việc lợi dụng quyền tự do, dân chủ xâm phạm các mối quan hệ xã hội được Pháp luật bảo vệ. Chẳng hạn, Công ước nhân quyền Châu Âu (1953) ghi: “Tất cả mọi người đều có quyền tự do bày tỏ ý kiến…” . Hay như, Hiến pháp Đức cũng nêu rõ: “Ai lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, đặc biệt là tự do báo chí, tự do tuyên truyền… làm công cụ chống lại trật tự của xã hội, tự do dân chủ, sẽ bị tước bỏ quyền công dân”. Chẳng lẽ các “nhà dân chủ” tảng lờ những quy định đó sao?!!!

Xét từ bất cứ góc độ nào thì nhiều năm nay, mọi luận điệu sai trái của các thế lực thù địch cùng một số cá nhân thiếu thiện chí với Việt Nam đều nhằm đạt tới mục đích cuối cùng là xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Các thế lực thù địch và một số cá nhân thiếu thiện chí với Việt Nam đã đưa ra nhiều luận điệu, thực hiện nhiều thủ đoạn để phá hoại cản trở tiến trình phát triển của Việt Nam. Việc đấu tranh quyết liệt với hành vi sai phạm, dù bất kể trong lĩnh vực nào để giữ gìn ổn định xã hội tạo môi trường lành mạnh, công bằng cho các nhà đầu tư… đó là đích đến để Việt Nam phát triển bền vững.

Cũng có người ngậm ngùi vừa giận lại vừa thương, cho rằng kết cục vào vòng lao lý đối với bà Phương Hằng là điều đã được dự báo trước. Công bằng mà nói, nếu Nguyễn Phương Hằng biết dừng lại sau khi “bóc phốt” thần y và lên tiếng về những sai trái trong từ thiện hoặc hành xử phản cảm của một số nghệ sỹ thì đâu đến nỗi Phương Hằng phải nhận kết cục xấu như hiện nay. Người xưa đã dạy về “Tứ tri”: Tri kỷ, tri bỉ, tri chỉ, tri túc. Nghĩa là phải thực hiện bốn cái “biết”: Biết mình; biết người; biết đến đâu thì dừng lại; biết đến đâu thì đủ. Thế nhưng, bà Hằng bất chấp các giới hạn chuẩn mực đạo đức và coi thường pháp luật. Pháp luật tôn trọng và ghi nhận quyền tự do ngôn luận, tự do bày tỏ quan điểm, thái độ, ý kiến của mình về các vấn đề xã hội. Nhưng, quyền tự do đó phải trong khuôn khổ pháp luật. Ngay vấn đề phát ngôn cũng vậy, tự do ngôn luận, quyền được lên tiếng của mọi công dân, nhưng không thể vượt qua “làn ranh đỏ” của pháp luật. Mác từng nói: “Trong một giàn nhạc phải có nhạc trưởng, nếu không sẽ trở thành bài ca ai điếu”. Tuân thủ pháp luật là thể hiện lòng tự trọng của mỗi người, bởi như ai đó đã nói “kỷ luật là tự do”. Luật pháp không cho phép bất cứ ai vu khống, bôi nhọ, mạt sát, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác. Trong thời đại công nghệ phát triển, luật pháp cũng không cho phép một công dân tự cho mình cái quyền là “quan tòa mạng” để kết tội, chửi bới cá nhân vu khống tổ chức.

Vì sao bà Nguyễn Phương Hằng lâm nạn? Có người cho rằng bà cậy lắm tiền nên “coi trời bằng vung”! Rồi đây, cơ quan chức năng sẽ làm rõ sau khi điều tra vụ án này. Quả thực, một thời gian dài bà Hằng được xem như “người hùng” trong mắt một bộ phận không nhỏ cộng đồng mạng xã hội. Vì được tung hô quá mức, tâng bốc quá đà nên đã dẫn đến bà Phương Hằng đã quá ảo tưởng về “quyền lực mạng” của mình, chà đạp lên những cảnh báo, thậm chí cợt nhả cả với hình thức xử phạt hành chính, để rồi tự đẩy mình vào vòng lao lý. Thật trớ trêu, không ít người lại khoái chí với cách nói, cách chửi như vậy trên mạng xã hội, thậm chí họ coi bà Phương Hằng là “thần tượng”. Không khó nhận ra khi bà Phương Hằng chưa bị bắt là sự xuất hiện rất nhiều hội, nhóm ủng hộ bà Phương Hằng, chửi bới, công kích các nhóm khác không ủng hộ dẫn đến thu thập trái phép thông tin cá nhân để tố cáo nhau trên mạng; tấn công một số trang báo đưa tin phê phán hiện tượng phát ngôn bừa bãi của bà Phương Hằng. Từ những mâu thuẫn trên mạng xã hội, nhiều người đã xung đột, ẩu đả gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự xã hội. Đây chính là câu trả lời vì sao cơ quan điều tra áp dụng các biện pháp cứng rắn để xử lý vụ việc là cần thiết để làm “vệ sinh” môi trường mạng. Thật là uổng cho bà Phương Hằng đã không có điểm dừng để đánh mất hình ảnh của một nữ “đại gia”.

Chắc chắn rồi đây cơ quan chức năng sẽ mở rộng điều tra xử lý nghiêm các đồng phạm của bà Phương Hằng trong thời gian qua. Không ai khác, chính những người đồng phạm của bà Phương Hằng đã lan tỏa, lôi kéo một lực lượng khá đông đảo ủng hộ bà này, làm phương hại đến khối đại đoàn kết dân tộc, tạo ra “đối trọng” với những người có ý kiến phản biện lại bà Phương Hằng.

Buồn thay! Mạng thì ảo, nhưng hậu quả thì có thật. Không ai có quyền tự cho mình đứng trên, đứng ngoài pháp luật dù ở cương vị nào. Cụ Lê Quý Đôn từng dạy: “Bệnh từ miệng ăn vào, họa từ miệng nói ra”. Vụ án bà Nguyễn Phương Hằng là một bài học quý giá cho tất cả những ai đang sử dụng mạng xã hội nói chung, cũng như tùy tiện phát ngôn trên mạng xã hội nói riêng. Xẩy chân thì dễ, xẩy miệng thì khó, người xưa dạy rồi ạ!. Khi đã phát ngôn công khai trên mạng, công khai trước công chúng thì phải chịu trách nhiệm pháp lý về cách phát ngôn của mình.

Đây là bài học cảnh tỉnh cho những ai ảo tưởng sức mạnh của “quyền lực mạng”. Bởi vậy, những người tham gia mạng xã hội, nhất là giới trẻ cần lấy đây là bài học, đừng vì “câu like”, “câu view” mà vi phạm pháp luật. Đây cũng là lời cảnh báo cho những người hay “mượn gió, bẻ măng”, lợi dụng các vụ việc liên quan dư luận để tung ra những luận điệu làm phức tạp thêm tình hình. Dù ai đó cố tình chính trị hóa các vụ án hình sự thì cũng sẽ nhận được sự “bẽ bàng” trước sự thật. Bởi lẽ, như câu thành ngữ: “Một nửa chiếc bánh mì là bánh mì, nhưng một nửa sự thật chưa hẳn là sự thật”!

Hà Phúc Lâm

Lượt xem: 1.636
Văn bản mới
  • Số 92-KH/BTGTU 19/12/2024 Kế hoạch tổ chức chào cờ và sinh hoạt chính trị năm 2025
  • Số 1492-CV/BTGTU 18/12/2024 Tuyên truyền kết quả kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV
  • Số 204-HD/BTGTU 09/12/2024 Hướng dẫn tuyên truyền kỷ niệm 300 năm Ngày sinh Hải Thượng Lãn Ông Lê ...
  • Số: 1720/STTTT - TTr 06/12/2024 Về việc cảnh báo thủ đoạn cắt ghép hình ảnh cá nhân vào clip “nhạy ...
  • Số 203-HD/BTGTU 04/12/2024 Nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền Kết luận số 91-KL/TW, ngày 12/8/2024 của ...
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 004343597
  •  Đang online: 341
  •  Trong tuần: 341
  •  Trong tháng: 134.288
  •  Trong năm: 2.044.638