Công tác nghiên cứu, định hướng dư luận xã hội trong tình hình mới In trang
23/11/2022 08:04 SA

Dư luận xã hội là một kênh thông tin rất quan trọng giúp các cấp ủy, chính quyền lắng nghe, nắm bắt tâm trạng xã hội, kịp thời điều chỉnh các chủ trương, chính sách cho phù hợp với thực tiễn và nguyên vọng của Nhân dân. Đặc biệt, trong kỷ nguyên số, môi trường mạng trở thành không gian thông tin trọng yếu, nơi biểu cảm rõ trạng thái tinh thần xã hội, cần kịp thời nắm bắt để định hướng dư luận, hóa giải những xung đột xã hội, khủng hoảng thông tin, tạo đồng thuận và môi trường thuận lợi cho việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị.

{id hình ảnh = 1}

Từ trước đến nay, Đảng ta luôn đặc biệt quan tâm đến công tác tư tưởng nói chung và công tác nghiên cứu dư luận xã hội nói riêng. Trong Văn kiện Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương (khóa VII) đã nêu ra nhiệm vụ đối với công tác tư tưởng, đó là: “Nâng cao chất lượng thông tin nội bộ và công tác tuyên truyền, coi trọng biện pháp điều tra dư luận xã hội”. Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương (khóa VII) tiếp tục yêu cầu: “Tổ chức điều tra dư luận xã hội về những vấn đề cần thiết cho công tác lãnh đạo, quản lý Nhà nước. Xây dựng luật về trưng cầu dân ý”. Nghị quyết Trung ương 5 (khoá X) về công tác tư tưởng, lý luận và báo chí trước yêu cầu mới, cũng nhấn mạnh: “Chú trọng công tác nghiên cứu, điều tra xã hội học, nắm bắt dư luận xã hội phục vụ công tác tư tưởng”.

Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII nêu ra nhiệm vụ đối với công tác tư tưởng: “Nắm chắc, dự báo đúng, định hướng chính xác, xử lý đúng đắn, kịp thời các vấn đề trong tư tưởng của Đảng, trong xã hội. Chú trọng nắm bắt, định hướng dư luận xã hội, bảo đảm thống nhất tư tưởng trong Đảng, đồng thuận cao trong xã hội”.

Những năm qua, công tác nghiên cứu dư luận xã hội được luôn được Ban Thường vụ Tỉnh ủy quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo; nhờ đó, cách thức tiến hành nắm bắt, xử lý thông tin và định hướng dư luận xã hội trên địa bàn tỉnh từng bước được đổi mới. Công tác dư luận xã hội đã bám sát thực tiễn của đời sống xã hội, hướng về cơ sở, hướng tới từng đối tượng cụ thể gắn với các sự kiện và nhiệm vụ chính trị của địa phương đơn vị; coi trọng công tác đối thoại trực tiếp ở từng nhóm đối tượng, kịp thời cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác cho cấp ủy, chính quyền giải quyết những vấn đề bức xúc của Nhân dân, tạo sự đồng thuận trong xã hội. Công tác xây dựng đội ngũ cộng tác viên dư luận xã hội cấp tỉnh và cấp huyện ngày càng được quan tâm; mạng lưới cộng tác viên dư luận xã hội được xây dựng có hệ thống từ tỉnh đến cơ sở.

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tích cực nghiên cứu áp dụng công nghệ thông tin trong điều tra xã hội học, kết hợp điều tra trực tuyến và điều tra trực tiếp nhằm thu nhận những ý kiến khách quan nhất của các tầng lớp Nhân dân về các chủ đề cần lấy ý kiến. Ngoài ra, việc sử dụng phần mềm SPSS là tập hợp một hệ thống các phương pháp phân tích, thống kê dữ liệu bằng thuật toán, giúp cho việc xử lý số liệu cho kết quả chính xác, khách quan... Có thể kể tới, các cuộc điều tra để lại dấu ấn và có kết quả khách quan được nhiều tầng lớp Nhân dân tích cực hưởng ứng như: “Đánh giá của người dân đối với công tác lãnh, chỉ đạo của tỉnh Lâm Đồng về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19” thu hút trên 75 nghìn lượt người tham gia khảo sát; các chủ đề điều tra về đất đai, quản lý trật tự xây dựng, an toàn giao thông, công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, vai trò nêu gương của cán bộ quản lý cấp cơ sở  được Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chú trọng đầu tư, thực hiện…

Tuy nhiên, công tác nghiên cứu, định hướng dư luận thời gian qua vẫn còn những tồn tại, hạn chế nhất định, chưa theo kịp diễn biến tình hình. Vì vậy, để tiếp tục nâng cao hiệu quả định hướng dư luận xã hội, đáp ứng yêu cầu của công tác tư tưởng hiện nay, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp:

Một là, đổi mới và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác định hướng dư luận xã hội. Định hướng dư luận xã hội trước hết và chủ yếu bằng việc cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời và có chọn lọc, có định hướng cho dư luận xã hội thông qua tất cả các phương tiện truyền thông cả truyền thống và hiện đại.

Để đảm bảo cho việc đổi mới, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng nhằm nâng cao hiệu quả công tác định hướng dư luận xã hội cần quan tâm đến các vấn đề sau:

- Lãnh đạo, chỉ đạo phải kịp thời. Để các phương tiện truyền thông, trước hết là báo chí thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời về sự kiện, hiện tượng, các cấp ủy Đảng thông qua các cơ quan chuyên môn, cần sớm đưa ra quan điểm chỉ đạo chính thức để các phương tiện truyền thông có phương hướng thông tin thống nhất, kịp thời.

- Lãnh đạo, chỉ đạo phải đảm bảo tính khoa học, tính thống nhất cao. Để định hướng dư luận xã hội theo mục đích đặt ra, các cơ quan thông tin, tuyên truyền của Đảng, Nhà nước, Mặt trận và các đoàn thể Nhân dân rất cần nhận được sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, chặt chẽ, khoa học, chính xác, đặc biệt là phải có tính thống nhất, nhất quán cao từ phía các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm của Đảng. Nếu sự chỉ đạo thiếu thống nhất, diễn ra theo kiểu “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”, các cơ quan truyền thông, nhất là truyền thông đại chúng rất khó khăn trong việc đưa tin và trong một số trường hợp buộc phải dừng việc thông tin, tác động định hướng dư luận xã hội sẽ giảm, thậm chí không có.

Hai là, nâng cao chất lượng nghiên cứu, nắm bắt dư luận xã hội.

Dư luận xã hội là hiện tượng xã hội có thể định hướng được, nhưng định hướng dư luận xã hội là công việc khó khăn, phức tạp. Để có cơ sở cho việc xác định nội dung, lựa chọn phương pháp định hướng dư luận xã hội, phải có thông tin đầy đủ về thực trạng và xu hướng vận động của dư luận xã hội nghĩa là phải nghiên cứu về nó. Các nghiên cứu làm căn cứ cho việc định hướng dư luận xã hội phải hướng vào việc làm rõ bản chất, các tính quy luật và những nhân tố khách quan, chủ quan tác động, ảnh hưởng đến quá trình phát sinh, phát triển của các luồng dư luận khác nhau cũng như cơ sở khoa học để đánh giá, phân tích một luồng dư luận nào đó. Việc nghiên cứu, nắm bắt dư luận xã hội cần tuân thủ nghiêm ngặt các công đoạn, các khâu, các yêu cầu kỹ thuật và phương pháp nghiên cứu, đảm bảo kết quả nghiên cứu mang tính khách quan, chân thực.

Ba là, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng năng lực định hướng dư luận xã hội cho cán bộ truyền thông và cán bộ làm công tác dư luận xã hội.

 Những kiến thức và kỹ năng công tác dư luận xã hội nói chung và kỹ năng định hướng dư luận xã hội nói riêng cần được đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ chuyên trách, các cộng tác viên dư luận xã hội và cán bộ truyền thông, bao gồm: kiến thức lý luận và nghiệp vụ công tác tư tưởng, kiến thức về tâm lý học xã hội, xã hội học, khoa học chính trị, những hiểu biết cơ bản và chuyên sâu về quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đồng thời, họ cần được đào tạo, bồi dưỡng các kiến thức lý luận về dư luận xã hội, các kỹ năng điều tra, nghiên cứu, nắm bắt dư luận xã hội, kỹ năng tổng hợp, phân tích, dự báo dư luận xã hội. Biết xây dựng kế hoạch và thành thục các bước tiến hành một cuộc điều tra dư luận xã hội…

Bốn là, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ các phương tiện truyền thông trong định hướng dư luận xã hội.

Đối với các sự kiện, vấn đề nhạy cảm, dư luận xã hội lan tỏa nhanh, tác động mạnh mẽ, sâu sắc trong đời sống xã hội, nếu thiếu sự phối hợp, thống nhất, chia sẻ quan điểm vì lợi ích chung sẽ dẫn đến hỗn loạn, mất định hướng, công chúng hoang mang vì không biết tin vào ai, chủ thể nào, phương tiện truyền thông nào.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp cần chủ động phối hợp với Ban Tuyên giáo cấp ủy, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong việc nắm bắt nhu cầu, nguyện vọng, lợi ích của các tầng lớp Nhân dân để làm căn cứ cho việc định hướng dư luận xã hội tích cực phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Năm là, đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch, hạn chế nhận thức sai lệch và loại bỏ các tin đồn nhảm, kích động, chia rẽ

Định hướng dư luận xã hội là để hình thành dư luận xã hội đúng đắn, tích cực, có lợi cho việc ổn định và phát triển xã hội. Điều đó tất yếu đòi hỏi phải đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch, các thông tin sai lệch, xuyên tạc, khẳng định quan điểm đúng đắn, chính thức của Đảng và Nhà nước ta. Đồng thời, cần minh bạch hóa các nguồn thông tin, phân biệt rõ dư luận xã hội và tin đồn, loại bỏ tin đồn thất thiệt, các luận điệu kích động, xuyên tạc, chia rẽ nội bộ, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Ủng hộ các luồng dư luận xã hội đúng đắn, tích cực.

Trong các ý kiến, quan điểm của dư luận xã hội có nhiều ý kiến, quan điểm đúng đắn, khách quan, nhưng cũng có một số luồng ý kiến, quan điểm sai lầm, chủ quan, thiên lệch mà những ý kiến, quan điểm này có nguyên nhân từ việc thiếu thông tin hoặc có thông tin nhưng bị bóp méo, bị biến dạng bởi lợi ích cá nhân cực đoan hoặc “lợi ích nhóm” cục bộ. Trong điều kiện ấy cần cung cấp thông tin đầy đủ, khách quan và quan trọng hơn là phải phân tích rõ các mối quan hệ về lợi ích để trên cơ sở đó hạn chế, chấn chỉnh các nhận thức sai lệch, tạo môi trường, điều kiện cho dư luận xã hội đúng đắn, lành mạnh phát triển và phát huy tác dụng trong đời sống xã hội.

Nghiên cứu, nắm bắt và định hướng dư luận xã hội là hai nội dung, hai nhiệm vụ quan trọng ngang nhau của công tác dư luận xã hội. Nếu kết quả nghiên cứu, nắm bắt dư luận xã hội là một nguồn thông tin cần thiết để làm căn cứ cho việc hoạch định, bổ sung, hoàn thiện đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật và mọi chủ trương công tác thì định hướng dư luận xã hội là kết quả trực tiếp của việc nghiên cứu, nắm bắt dư luận xã hội, là một mục đích của công tác dư luận xã hội mà các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội không thể xem nhẹ. Công tác định hướng dư luận xã hội một khi được coi trọng đúng mức, chất lượng, hiệu quả được nâng cao thì tình hình tư tưởng xã hội ổn định; trật tự, an toàn xã hội được đảm bảo, sự thống nhất giữa ý Đảng - lòng dân được nâng cao, đoàn kết xã hội sẽ bền vững.

                                                                                    Thu Dung

 

 

 

Lượt xem: 577
Văn bản mới
  • Số 34-CT/TU 20/04/2024 Chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát huy tinh thần trách nhiệm, ...
  • Số 69-KH/BTGTU 16/04/2024 Kế hoạch triển khai đợt sinh hoạt chính trị, tư tưởng sâu rộng về nội ...
  • Số 1184-CV/BTGTU 11/04/2024 Tuyên truyền Kỷ niệm 70 năm Ngày ký Hiệp định Giơnevơ về đình chỉ chiến ...
  • Số 173-HD/BTGTU 05/04/2024 Hướng dẫn Báo chí tuyên truyền kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ ...
  • Số 172 -HD/BTGTU 26/03/2024 Hướng dẫn công tác tuyên truyền tháng 4 năm 2024
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 002831443
  •  Đang online: 165
  •  Trong tuần: 21.168
  •  Trong tháng: 130.394
  •  Trong năm: 532.484