Tâm điểm dư luận tháng 7 In trang
30/08/2016 12:00 SA

1. Thông tin dư luận trong tỉnh

- JICA hỗ trợ Việt Nam xuất khẩu nông sản sang Nhật Bản và Mỹ

Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đang có dự án chọn một địa phương tại Việt Nam để hỗ trợ xây dựng thương hiệu nông sản, xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản và Mỹ. Bốn tỉnh được JICA đi khảo sát là Hà Giang, Nghệ An, Lâm Đồng và Vĩnh Long. Hiện đoàn khảo sát đã qua 3 tỉnh, trong ngày 10-7 sẽ tiếp tục đến tỉnh Vĩnh Long. Mặc dù chưa đưa ra kết luận chính thức sẽ chọn tỉnh nào để hỗ trợ nhưng đại diện công ty tư vấn Mitsui - công ty được JICA chọn để triển khai dự án hỗ trợ Việt Nam xây dựng thương hiệu nông sản - cho biết: Vải và Xoài là hai nông sản có thể ứng dụng công nghệ đông lạnh của Nhật Bản để bảo quản và xuất khẩu. Dư luận cho rằng, đây là việc làm quan trọng, nhằm nâng cao giá trị xuất khẩu cho các tỉnh được chọn, thông qua việc xây dựng thương hiệu nông sản, một việc vẫn còn yếu và thiếu tại các địa phương trong cả nước là xây dựng thương hiệu cần được xây dựng đồng bộ, từ khâu sản xuất đến khâu đóng gói, vận chuyển. Vì vậy, để xây dựng thương hiệu thành công, cần có sự kết hơp hiệu quả giữa chính quyền địa phương, nhân dân cũng như các nhà chuyên môn.

- Lâm Đồng tiếp tục hỗ trợ 3,8 tỷ đồng cho nông dân tái canh cà phê

Hiện tại là thời điểm tỉnh Lâm Đồng đang vào mùa trồng rừng, trồng cây công nghiệp lâu năm. Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng đã phân bổ kinh phí 3,8 tỷ đồng tiếp tục hỗ trợ nông dân tái canh 650 ha cà phê già cỗi trong năm nay. Các địa phương có diện tích cà phê lớn, được hỗ trợ nhiều nhất là Di Linh, Bảo Lâm và Lâm Hà. Các hộ nông dân thực hiện chương trình tái canh cà phê được hỗ trợ từ 60-80% chi phí mua cà phê giống. Các hình thức tái canh được khuyến khích là trồng mới và ghép chồi, cải tạo trên nền gốc vườn cà phê lâu năm, già cỗi cho năng suất thấp. Trong số 650 ha cà phê được hỗ trợ cải tạo năm nay có 565 ha cà phê vối và 85 ha cà phê chè.

Ngoài ra, tỉnh cũng tiếp tục giúp các đơn vị, doanh nghiệp và người dân nâng cao năng lực sản xuất cà phê giống đạt chất lượng; tổ chức tập huấn cho nông dân. Ngoài kinh phí hỗ trợ, nông dân thực hiện tái canh cà phê còn được vay vốn tín dụng ưu đãi khi thực hiện chương trình này. Từ năm 2013 đến nay, Lâm Đồng là tỉnh thực hiện chương trình tái canh cà phê mạnh nhất cả nước với 25.000 ha đã được tái canh với nguồn vốn tín dụng hỗ trợ 800 tỷ đồng, chiếm 60% về diện tích và 87% về vốn của cả khu vực Tây Nguyên, vùng chiếm đến 92 sản lượng cà phê cả nước hàng năm. Những diện tích sau tái canh đều đạt năng suất từ 5-8 tấn cà phê nhân/ha/năm, cao hơn 2 đến 3 lần so với chưa tái canh. Trên địa bàn Lâm Đồng cũng đã xây dựng được 43 vườn cây cà phê đầu dòng, sản xuất trên 12 triệu mầm, chồi mỗi năm và 167 cơ sở sản xuất, kinh doanh cà phê giống đủ chất lượng với trên 12 triệu cây/năm. Như vậy, hiệu quả sau khi tái canh cây cà phê đã cho thấy hướng đi đúng của người dân. Từ đây, dư luận mong muốn các cơ quan chức năng cần tiếp tục hướng dẫn nhân dân tái canh cây cà phê, nhất là với các vườn cà phê lâu năm. Nhiều chuyên gia nhận định, việc tái canh thông qua giống cây mới phải đảm bảo đem lại hiệu quả kinh tế cao, đồng thời phải tăng cường khả năng chống lại các bệnh truyền thống, nhất là sâu đục thân trên cây cà phê.

- Trùm đường dây phá rừng suốt 2 năm

 Bộ Công an vừa triệt phá đường dây phá rừng hàng nghìn tỷ suốt hai năm qua. Hiện đối tượng cầm đầu đang bị truy bắt. Ngày 10-7, Thiếu tướng Bùi Văn Sơn, Giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng, cho biết: “Cơ quan điều tra Công an tỉnh phối hợp cùng Cảnh sát cơ động, VKSND, Chi cục Kiểm lâm và Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49B), Bộ Công an… tiếp tục kiểm tra hiện trường vụ lâm tặc phá rừng quy mô lớn tại khu vực lòng hồ Thủy điện Đồng Nai 5, thuộc địa phận xã Lộc Bắc, huyện Bảo Lâm”. Đối tượng “đầu sỏ” chính là Lê Hồng Hà (48 tuổi), quê Nghệ An, được giới buôn bán gỗ lậu trên thị trường quen gọi là Hà đen. Trong vòng 2 năm qua, đối tượng này đã cầm đầu đường dây khai thác, vận chuyển gỗ lậu từ tiểu khu 390, xã Lộc Bắc, huyện Bảo Lâm, thuộc lâm trường do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Lộc Bắc quản lý đi tiêu thụ. Nhóm này đều có tay nghề, kinh nghiệm trong việc phá rừng ở Nghệ An và Quảng Bình. Họ được Hà kêu về làm việc với thù lao từ 6 đến 15 triệu mỗi tháng.Các đối tượng khai nhận, khi cưa hạ gỗ, chúng xẻ thành từng hộp dài từ 3-4m sau đó tập kết ra sông Đồng Nai, thả trôi về lòng hồ thủy điện Đồng Nai 5. Phía hạ nguồn, một “đội quân” đã lập sẵn lán trại trú ngụ trực chờ sẵn, chuyên trục vớt gỗ, đưa lên xe tải vận chuyển đi tiêu thụ. Theo giới am hiểu giá trị của loại gỗ này, hiện trên thị trường gỗ dổi đang được giới đầu lậu buôn bán với giá từ 18-20 triệu đồng/m3. Các đối tượng bị bắt giữ khai nhận, trung bình mỗi ngày khai thác được từ 20-30m3. Nếu lời khai nhận này là xác thực, như vậy, nhóm lâm tặc do Lê Hồng Hà cầm đầu kiếm được khoảng 475 triệu đồng mỗi ngày từ khai thác gỗ dổi trái phép. Số tiền thu về trong vòng một tháng khoảng trên dưới 14.250 triệu đồng. Thời gian qua, nhiều lần lực lượng kiểm lâm và chủ rừng phát hiện việc khai thác và vận chuyển gỗ lậu nhưng khi đến nơi thì lâm tặc bỏ của chạy lấy người nên đành phải xử lý “vắng chủ”. “Không ít lần Hà “đen” hăm dọa lực lượng kiểm lâm tuần tra rừng và đòi giết chết cả Đội trưởng Đội kiểm lâm cơ động số 2. Dưới trướng của Hà “đen” có hơn 20 đàn em trực tiếp tham gia khai thác rừng trái phép phần lớn quê ở Nghệ An và Hà Tĩnh” – đại diện Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lâm Đồng cho biết. Tổ công tác đã kết hợp công an tỉnh Bình Phước, kiểm tra hành chính một cơ sở thu mua gỗ tại huyện Bù Đăng. Bước đầu tạm giữ 40 m3 gỗ rừng không có giấy tờ liên quan được cho là mua gỗ của “Hà” đen và các đối tượng liên quan. Đồng thời cơ sở này cũng có 60 m3 khối gỗ có giấy tờ, tuy nhiên đang làm rõ nghi vấn giấy tờ giả. Đồng thời, tiếp tục kiểm tra những công ty thu mua gỗ tại TP Bảo Lộc (Lâm Đồng) có mua gỗ lậu của Hà “đen”... Dư luận cho rằng, như vậy trong 2 năm, đối tượng phá rừng một cách chuyên nghiệp nhưng chính quyền địa phương mặc dù biết nhưng không giải quyết kịp thời, gây mất rừng và thất thoát tài sản của nhà nước. Điều này khiến cho dư luận đặt câu hỏi về năng lực và nghi ngờ tiêu cực của các cơ quan chức năng của huyện Bảo Lâm. Dư luận yêu cầu các cơ quan ngoài việc truy tìm thủ phạm cầm đầu “Hà đen”, cần nghiêm túc kiểm điểm, xử lý cán bộ chuyên trách trong vụ việc này.

2.Thông tin dư luận trong nước

- Dư luận về phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực Quốc tế bác đường chín đoạn của Trung Quốc.

Hôm 12/7, dư luận trong nước đặc biệt quan tâm đến phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực Quốc tế đối với vụ kiện Trung Quốc của Philippines.

Hơn 3 năm nay, kể từ ngày Philippines chính thức khởi đơn kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng tài Thường trực Quốc tế về tính pháp lý của đường chín đoạn trên Biển Đông mà Trung Quốc yêu sách chủ quyền, dư luận nhân dân thế giới, trong đó có nhân dân Việt Nam mong chờ ngày Tòa ra phán quyết cuối cùng. Vào lúc 11 giờ trưa ngày 12/7, Tòa Trọng tài Thường trực Quốc tế tại Hague (PCA) đã ra phán quyết chung cuộc,Tòa tuyên bố:

  • Trung Quốc không có "quyền lịch sử" đối với Biển Đông;
  • "Đường lưỡi bò" do Trung Quốc tự vẽ ra không phù hợp với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển;
  • Không có thực thể nào ở quần đảo Trường Sa có thể mang lại vùng đặc quyền kinh tế cho Trung Quốc;
  • Trung Quốc can thiệp vào quyền đánh bắt cá của ngư dân Philippines, đặc biệt là ở bãi cạn Scarborough;
  • Trung Quốc gây thiệt hại đến hệ sinh thái quần đảo Trường Sa bằng các hoạt động như khai thác quá mức, xây đảo nhân tạo;
  • Các hành động của Trung Quốc làm gia tăng khả năng xảy ra xung đột với Philippines.

Sau tuyên bố của trọng tài, phản ứng của Chính phủ Philippines là “khẳng định cam kết mạnh mẽ tôn trọng phán quyết được xem là cột mốc quan trọng này, coi đây là một trong những đóng góp thiết thực giải quyết tranh chấp đang diễn ra ở Biển Đông”.

Còn Trung Quốc, sau phán quyết của trọng tài, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị có bài phát biểu: “Hôm nay, một Toà trọng tài được thành lập tạm thời đã đưa ra cái gọi là phán quyết về vụ trọng tài Nam Hải do chính phủ tiền nhiệm Philippines đơn phương nêu ra, mưu toan làm tổn hại chủ quyền lãnh thổ và quyền lợi biển của Trung Quốc tại Nam Hải. Về việc này, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã ra tuyên bố, tỏ rõ lập trường nghiêm khắc của Trung Quốc không chấp nhận và không công nhận phán quyết của trọng tài. Bên cạnh đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc còn thừa ủy quyền ra "Tuyên bố về chủ quyền lãnh thổ và quyền lợi biển tại Nam Hải của Chính phủ nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa", trịnh trọng trình bày Trung Quốc có chủ quyền lãnh thổ và quyền lợi biển tại Nam Hải. Trên cơ sở này, tôi sẵn sàng trình bày hơn nữa thái độ của Trung Quốc:

  • Thứ nhất, vụ trọng tài Nam Hải ngay từ đầu đã là một trò hề chính trị đội lốt pháp luật, cần phải vạch trần triệt để bản chất này.
  • Thứ hai, Trung Quốc không chấp nhận, không tham gia trọng tài là nhằm bảo vệ nền pháp quyền quốc tế và quy tắc khu vực theo pháp luật.
  • Thứ ba, chủ quyền lãnh thổ và quyền lợi biển của Trung Quốc tại Nam Hải có cơ sở lịch sử và pháp lý vững chắc, không bị ảnh hưởng bởi cái gọi là phán quyết của toà trọng tài.
  • Thứ tư, Trung Quốc sẽ tiếp tục dốc sức giải quyết hoà bình tranh chấp thông qua đàm phán và hiệp thương, giữ gìn tốt hoà bình và ổn định trong khu vực.

Cuối cùng, tôi muốn tái khẳng định rằng, phát triển quan hệ láng giềng hữu nghị với các nước xung quanh là phương châm đã định mà Trung Quốc kiên trì; giữ gìn hoà bình và ổn định của khu vực là trách nhiệm quốc tế không thể thoái thác của Trung Quốc; kiên trì đi con đường phát triển hoà bình là sự lựa chọn chiến lược kiên định bất di bất dịch của Trung Quốc.

Trung Quốc sẽ tiếp có sự đóng góp xứng đáng của mình vì bảo vệ tôn chỉ của "Hiến chương Liên Hợp Quốc" và các chuẩn tắc cơ bản trong quan hệ quốc tế, giữ gìn sự công bằng, chính nghĩa của nền pháp quyền quốc tế, thúc đẩy sự nghiệp hoà bình và phát triển của loài người.”

Đối với Việt Nam, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc Tòa Trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 trên cơ sở đề nghị của Philippines đã đưa ra Phán quyết cuối cùng, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nêu rõ:“Việt Nam hoan nghênh việc Tòa trọng tài đã đưa ra phán quyết cuối cùng ngày 12/7/2016. Việt Nam sẽ có tuyên bố về nội dung phán quyết. Việt Nam một lần nữa khẳng định lập trường nhất quán của mình về vụ kiện này như đã được thể hiện đầy đủ trong Tuyên bố ngày 5/12/2014 của Bộ Ngoại giao Việt Nam gửi Tòa trọng tài. Trên tinh thần đó, Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ việc giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, bao gồm các tiến trình ngoại giao và pháp lý, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực theo quy định của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, tôn trọng nguyên tắc thượng tôn pháp luật trên các vùng biển và đại dương. Nhân dịp này, Việt Nam tiếp tục khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, chủ quyền đối với nội thủy và lãnh hải, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam được xác định phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, cũng như tất cả các quyền và lợi ích pháp lý của Việt Nam liên quan đến các cấu trúc địa lý thuộc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”.

- Mỹ và các nước kêu gọi các bên tôn trọng phán quyết về 'đường lưỡi bò'

- Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby cho biết trong một thông báo: "Quyết định do tòa trọng tài đưa ra hôm nay đối với vụ kiện Philippines - Trung Quốc là một sự đóng góp quan trọng cho mục tiêu chung tìm cách giải quyết các tranh chấp" ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình. Ông kêu các nước tham gia UNCLOS chấp nhận quá trình giải quyết và phán quyết từ tòa là cuối cùng, có tính ràng buộc pháp lý với cả Philippines và Trung Quốc.

- Chủ tịch Hội đồng Liên minh châu Âu (EU) Donald Tusk lưu ý Trung Quốc cần tôn trọng hệ thống quốc tế sau khi tòa trọng tài ra phán quyết về "đường lưỡi bò".

- Còn Nhật Bản Trong trong một thông cáo, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida khẳng định phán quyết về Biển Đông của tòa án trọng tài The Hague là cuối cùng và mang tính ràng buộc về mặt pháp lý, các bên trong vụ kiện cần phải tuân thủ. Ông cũng khẳng định Nhật Bản luôn coi trọng luật pháp, phản đối việc sử dụng vũ lực hoặc cưỡng chế trong việc giải quyết các tranh chấp trên biển.

Dư luận thế giới hoan nghênh phán quyết của Tòa và cho rằng sự phi lý và bất hợp pháp về “đường lưỡi bò” mà Trung Quốc tự vẽ ra là quá rõ ràng. Dư luận cũng cho rằng quốc gia nào cũng có quyền bảo vệ lợi ích cốt lõi của mình nhưng lợi ích cốt lõi đó cần phải có bằng chứng rõ ràng chứ không thể dựa trên lời nói, càng không thể dựa trên sự chiếm đóng bằng vũ lực. Dư luận cũng tỏ ra lo ngại rằng, Trung Quốc sẽ phớt lờ các quy định trong Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982 và phán quyết của PCA, cũng không loại trừ khả năng Trung Quốc sẽ gia tăng quân sự hóa trong thời gian tới với việc thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông chứ không phải chỉ đe dọa như tại Hội nghị thượng đỉnh An ninh châu Á (Đối thoại Shangri-la) lần thứ 15 tại Singapore hồi tháng 6 vừa qua. Cũng có thể nhân sự kiện này, Trung Quốc tiếp tục khởi động xây dựng các đảo nhân tạo mới... nhằm thách thức các nước trong khu vực cũng như thách thức luật pháp quốc tế.

Điều lo ngại trên không phải là không có lý khi mà ngay trước thềm phán quyết của PCA, Trung Quốc đã tổ chức cuộc tập trận phi pháp của Hải quân Trung Quốc ở vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam) từ 5-11/7, được quan chức Bộ quốc phòng nước này tuyên bố là "hoạt động quân sự theo lịch trình". Và Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) ngang nhiên tuyên bố tập trận "cũng là một hình thức chuẩn bị về quân sự".
Chuyên gia Trung Quốc Hình Ân Thạc của Trung tâm hợp tác đổi mới nghiên cứu Biển Đông không ngần ngại khẳng định: "Bản thân cuộc tập trận (phi pháp) ở Hoàng Sa chính là một sự đe dọa (nhằm vào các 'đối thủ' của Trung Quốc)."
Một số dư luận thì cho rằng, Trung Quốc chắc chắn đã dự liệu các phương án đối phó vì nước này thừa biết rằng sẽ thua kiện do không có bằng chứng lịch sử nào biện minh cho đường 9 đoạn. Cũng chính vì biết mình thua kiện nên ngay từ đầu, Trung Quốc tuyên bố không chấp nhận phán quyết của Tòa và không muốn quốc tế hóa Biển Đông. Phương án mà Trung Quốc dự liệu đầu tiên sẽ là không làm gì và xem như mặc nhiên chấp nhận phán quyết, nhưng âm thầm bước qua giai đoạn mới để khẳng định chủ quyền. Hai là Trung Quốc sẽ tiếp tục củng cố các đảo nhân tạo, xây dựng tiền đồn và trang bị vũ khí đầy đủ thực hiện chiến lược mà Bắc Kinh gọi là vùng cấm tiếp cận A2/AD; Tuyên bố vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông với lý do phán quyết của PCA đe dọa an ninh Trung Quốc. Phương án này rất có thể xảy ra vì hiện tại Trung Quốc đã hoàn chỉnh việc xây dựng những căn cứ quân sự trái phép ở Hoàng Sa của Việt Nam và bố trí lực lượng hải quân, không quân, tên lửa trong vùng. Phương án thứ ba là Trung Quốc dùng hết sức mạnh của mình để "châm ngòi" vào các điểm nóng tại châu Á mà cụ thể sẽ gia tăng hoạt động hải quân, không quân ở biển Hoa Đông để chọc tức Nhật Bản. Hoặc Trung Quốc cũng có thể bồi đắp bãi đá ngầm Hoàng Nham (Scarborough) thành căn cứ quân sự tiền phương, vốn chỉ cách quân cảng Subic Bay (Philippines) 150 hải lý.

Dư luận trong nước hoàn toàn ủng hộ nội dung tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình. Hầu hết các ý kiến cho rằng sự phân xử của Tòa là cần thiết để phân định chủ quyền khi mà sự phi lý bị áp đặt bởi cường quyền. Phán quyết của Tòa là minh chứng rõ ràng nhất, thuyết phục nhất cho lẽ phải chứ không phải là lời nói rỗng tuếch hay sự tuyên bố hùng hồn nhưng vô căn cứ. Nhân dân Việt Nam đón nhận thông tin phán quyết từ Tòa với một thái độ bình thản vì quá biết rằng những gì Trung Quốc có được ở Biển Đông mà cụ thể là quần đảo Hoàng Sa, một số đảo đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam đều bằng vũ lực. Chủ quyền hay cái gọi là “lợi ích cốt lỏi” của Trung Quốc trên Biển Đông không thể và không bao giờ có được từ sự chiếm đóng.

- Cửa khẩu Mộc Bài "hủy" 6.700 hộ chiếu Trung Quốc in đường lưỡi bò

Tháng qua, dư luận trong nước nói chung và Lâm Đồng nói riêng rất hoan nghênh Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Mộc Bài đã cương quyết hủy bỏ 6.703 hộ chiếu của người Trung Quốc xuất, nhập cảnh có in bản đồ đường “Lưỡi bò” ở Biển Đông. Được biết, trong 6 tháng đầu năm 2016, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Mộc Bài đã phát hiện 6.703 người Trung Quốc xuất, nhập cảnh qua cửa khẩu này trên hộ chiếu có in bản đồ đường “Lưỡi bò” phi lý ở Biển Đông, xâm phạm đến chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Trong đó, nhập là 3.392 người và xuất là 3.311 người.

Sau khi phát hiện, các cán bộ làm nhiệm vụ tại đây đã giải thích cụ thể rõ ràng việc sai phạm này, đồng thời tịch thu, đóng dấu hủy bỏ các hộ chiếu và cấp Visa mới cho các đối tượng người Trung Quốc trên theo quy định của Nhà nước Việt Nam. Dư luận cho rằng việc làm trên của các cán bộ và chiến sỹ Đồn Biên phòng cửa khẩu Quốc tế Mộc bài đã nêu cao ý thức bảo vệ chủ quyền biên giới, biển đảo quốc gia, cảnh giác với các đối tượng lợi dụng ý đồ về địa chính trị trên Biển Đông ở nước ta.

- Tàu cá Quảng Ngãi bị tàu Trung Quốc đâm chìm

Tại vùng biển Hoàng Sa, tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá của 5 ngư dân Quảng Ngãi, ngăn cản việc cứu nạn. Trưa 10-7, Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 2 (đóng tại Đà Nẵng) cho biết đã tiếp nhận thông tin tàu cá QNg 90479 TS của ngư dân Quảng Ngãi bị đâm chìm tại toạ độ 16,06 độ vĩ Bắc - 113,06 độ kinh Đông. Vị trí này cách đông nam Đà Nẵng khoảng 290 hải lý, cách đông đông nam đảo Linh Côn, quần đảo Hoàng Sa khoảng 35 hải lý. "Ngư dân nói bị tàu Trung Quốc đâm chìm lúc 11h ngày 9-7, trên tàu có 5 thuyền viên. Các ngư dân phải bám vào thân tàu mấp mé dưới nước và sau đó được một tàu cá Quảng Ngãi đến cứu". Một nhân viên trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 2 cho biết các ngư dân gặp nạn đang được tàu cá đưa vào bờ. Báo cáo của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ngãi gửi Uỷ ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, Cục kiểm ngư và các bên liên quan cho biết, tàu cá QNg 90479 TS do ông Võ Văn Lựu (50 tuổi, Quảng Ngãi) ra khơi ngày 2-7 và đánh bắt cùng toạ độ với tàu cá QNg 95001 TS do anh Huỳnh Văn Khanh (31 tuổi) làm thuyền trưởng. Cả hai tàu cá này đã bị hai ca-nô phía Trung Quốc (chưa rõ số hiệu) truy đuổi. Theo báo cáo, sau đó hai tàu Trung Quốc số hiệu 46102 và 56103 đã đâm chìm tàu cá của ông Lựu vào trưa ngày 9-7. Do bị ngăn cản, phải đến 19h20 cùng ngày, tàu cá của anh Khanh mới có thể tiếp cận và cứu 5 thuyền viên. Hiện sức khoẻ 5 ngư dân dần ổn định. Tàu cá QNg 95001 TS vẫn đang giữ liên lạc với Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ngãi. Thời gian qua, một số tàu cá của ngư dân các tỉnh miền Trung đã bị tàu Trung Quốc đâm chìm. Một ngư dân ở Đà Nẵng đã đâm đơn kiện tàu phía Trung Quốc nhưng đến nay vẫn chưa nhận được hồi âm. Vụ việc trên khiến cho dư luận trong nước cũng như ngư dân của tỉnh Quảng Ngãi hết sức lo lắng và bức xúc. Điều này đòi hỏi Chính phủ; chính quyền tỉnh Quảng Ngãi cũng như cơ quan Kiểm Ngư quốc gia cần có các động thái bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho ngư dân tham gia đánh bắt trên các ngư trường truyền thống.

- Hành trình Đỏ đã tiếp nhận gần 60.000 đơn vị máu

Ngày 10-7, Viện Huyết học Truyền máu Trung ương tổ chức họp báo giới thiệu về Hành trình Đỏ – Hành trình vận động hiến máu xuyên Việt năm nay. Theo đó, dự kiến Hành trình Đỏ năm nay sẽ thu được 20.000 đơn vị máu, góp phần khắc phục tình trạng thiếu máu trong dịp hè hiện nay. Năm 2016, Hành trình Đỏ diễn ra 1 tháng, bắt đầu từ 01-7, tại 27 tỉnh, thành phố. Trong đó, Đoàn phía Nam xuất phát từ đảo Phú Quốc (Kiên Giang) đi qua 15 tỉnh, thành phố; Đoàn phía Bắc sẽ xuất phát từ Hà Nội di chuyển qua 11 tỉnh, thành phố. Hai đoàn sẽ hợp quân tại Thanh Hóa trước khi về Hà Nội vào ngày 27-7, sau đó sẽ tổ chức một chuỗi các sự kiện trong đó có ngày hội hiến máu “Giọt hồng tri ân” tại Trung tâm hội nghị quốc gia vào ngày 31-7. Trước đó, ngày 05-7, lễ xuất quân Hành trình Đỏ miền Nam và ngày Hội hiến máu Giọt hồng Đảo Ngọc đã được tổ chức tại Kiên Giang. Đoàn đã di chuyển qua Kiên Giang, An Giang và đang tham gia ngày hội hiến máu “Giọt hồng yêu thương – Thành phố mang tên Bác” tại TP.HCM. Đến thời điểm hiện tại, Hành trình Đỏ đã tiếp nhận được 887 đơn vị máu. Ngày 10-7, đoàn Hành trình Đỏ miền Bắc cũng chính thức lên đường và tổ chức tại 11 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc. Tại buổi họp báo, GS.TS Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học truyền máu Trung ương cho biết: Hành trình Đỏ góp phần khắc phục tình trạng thiếu máu diễn ra trong dịp hè hàng năm do lực lượng hiến máu nhiều nhất hiện nay là sinh viên đang nghỉ hè. Tổ chức Hành trình Đỏ để vận động thêm nhiều đối tượng khác trong xã hội tham gia hiến máu tình nguyện chứ không chỉ dừng lại ở lực lượng sinh viên như hiện nay. Dư luận trong cả nước đánh giá cao những giọt máu tình nguyện của lực lượng sinh viên. Nhiều người mong muốn Viện Huyết học Truyền máu Trung ương cần tổ chức nhiều đợt hiến máu tình nguyện hơn nữa, nhất là đối với lực lượng thanh niên, công nhân viên chức trong cả nước. Từ đó, làm giàu thêm ngân hàng máu của cả nước, góp phần quan trọng vào việc cung cấp máu cho các bệnh nhân.

- Đa cấp gian lận thuế hàng chục tỷ, bán hàng rởm

Không chỉ gian lận thuế cả chục tỷ đồng, các DN bán hàng đa cấp còn bán hàng không đủ điều kiện lưu thông, vi phạm quy định về quảng cáo... Sau 3 tháng làm việc, Bộ Công Thương đã thông báo kết quả kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bán hàng đa cấp.

Đối với công ty TNHH Nhượng quyền Thương mại Thăng Long, trong các chương trình khuyến mại, công ty cho phép nhà phân phối nhận các lợi ích không được quy định trong chương trình trả thưởng cũng như nội dung khuyến mại đã đăng ký. Hành vi này có dấu hiệu vi phạm quy định về kinh doanh đa cấp. Ngoài ra, nhà phân phối có mua hàng và được nhận hoa hồng nhưng không nằm trong danh sách những nhà phân phối mua hàng và hưởng hoa hồng được công ty cung cấp cho đoàn kiểm tra. “Công ty kê khai và ghi nhận doanh thu thấp hơn số liệu do đại lý cung cấp khoảng 34 tỷ đồng. Các hành vi này có dấu hiệu huy động tiền từ nhà phân phối, gian lận, vi phạm quy định của pháp luật về thuế”, Bộ Công Thương cho biết. Đối với công ty cổ phần Liên minh tiêu dùng Việt Nam, kết quả kiểm tra cho thấy: Công ty khấu trừ thuế thu nhập cá nhân của người tham gia bán hàng đa cấp không đúng với thực tế hoa hồng đã chi trả cho người tham gia. Hành vi này có dấu hiệu vi phạm quy định tại khoản 7, điều 22 nghị định 42/2014/NĐ-CP. Kiểm tra xác suất theo thống kê của công ty này, đoàn kiểm tra phát hiện một số nhà phân phối có phát sinh doanh số trên thực tế nhưng không được ghi nhận vào doanh thu của công ty. Bộ Công Thương cho rằng: Hành vi này cho thấy công ty có dấu hiệu không kê khai đầy đủ doanh thu, sử dụng hóa đơn, chứng từ không phù hợp, vi phạm quy định pháp luật về thuế. Quá trình kiểm tra các DN đa cấp, Bộ Công Thương cũng thấy có quy định chưa rõ ràng về doanh thu tính thuế, dẫn đến cách hiểu và áp dụng không thống nhất tại các doanh nghiệp. Vì vậy, đoàn kiểm tra kiến nghị các cơ quan chức năng có sự điều chỉnh phù hợp để bảo đảm việc áp dụng thống nhất tại các công ty bán hàng đa cấp, tránh việc hiểu và áp dụng khác nhau. Bộ Công Thương phát hiện công ty TNHH Nhượng quyền Thương mại Thăng Long quảng cáo 2 sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Thymo-Zin và thực phẩm chức năng viên nén bao phim Thymo Plus chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và có nhiều điểm sai lệch về thành phần, công dụng so với xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm và nhãn đã được Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cấp. Bên cạnh đó, nội dung quảng cáo của 8 sản phẩm thực phẩm chức năng và bảo vệ sức khỏe chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, mẫu nhãn lưu hành không đúng với mẫu nhãn trong giấy xác nhận phù hợp quy định an toàn thực phẩm. “Hành vi này có dấu hiệu vi phạm quy định về quảng cáo đối với các sản phẩm thực phẩm chức năng và thực phẩm bảo vệ sức khỏe”, Bộ Công Thương đánh giá. Trường hợp này cũng xảy ra với công ty cổ phần liên minh tiêu dùng Việt Nam. Cụ thể, khi kiểm tra tài liệu lưu hành các sản phẩm thực phẩm chức năng viên nang mềm dầu cá biển giọt vàng Alaska, phân bón lá Eco-Hydro, Eco-Nereo và phân bón hữu cơ vi sinh EMZ , Bộ Công Thương phát hiện thấy công ty có dấu hiệu vi phạm quy định về ghi nhãn sản phẩm và lưu thông hàng hóa chưa đủ điều kiện trên thị trường. Với 4 công ty đã có kết luận kiểm tra nói trên, tùy theo tính chất của hành vi có dấu hiệu vi phạm, Bộ Công Thương đã chuyển cho các cơ quan liên quan để xử lý, hoặc tiến hành điều tra để xử lý, theo thẩm quyền. Riêng đối với các hành vi có dấu hiệu vi phạm các quy định về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp, Bộ Công Thương đã chỉ đạo Cục Quản lý cạnh tranh triển khai xử lý ngay và sớm công bố công khai kết quả. Dư luận trong cả nước cho rằng, việc các công ty đa cấp thường xuyên xử dụng các hình thức lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của nhân dân với nhiều thủ đoạn tinh vi phức tạp, tuy nhiên, vẫn chưa có một cơ quan nào chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát, cũng như các chế tài xử phạt còn lỏng lẻo, thậm chí xử phạt hành chính quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Việc tuyên truyền trong nhân dân về những thủ đoạn của các công ty đa cấp vẫn còn rất ít. Nhiều chuyên gia cho rằng, cần sớm xây dựng khung pháp lý đối với các công ty đa cấp, cũng như chế tài xử phạt nghiêm các hình thức lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của nhân dân.

3. Thông tin dư luận quốc tế

- Trung Quốc tuyên bố hoàn thành 5 hải đăng ở Trường Sa

Ông Hứa Như Thành, quan chức Cục Hải sự thuộc Bộ Giao thông Vận tải Trung Quốc, tiết lộ nước này đã xây xong 5 ngọn hải đăng tại 5 thực thể chiếm đóng trái phép ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Trong đó, 4 hải đăng tại đá Châu Viên, Gạc Ma, Subi, Chữ Thập đang được sử dụng, còn hải đăng tại đá Vành Khăn sắp đi vào hoạt động. Quan chức Cục Hải sự Trung Quốc còn nói thêm rằng ngoài 5 ngọn hải đăng ở Trường Sa, Bắc Kinh đã xây dựng 4 hải đăng khác tại đá Duy Mộng, Hải Sâm, Cồn cát Nam, Đá Bắc thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, cùng với 31 phao tiêu dẫn hướng trên Biển Đông. Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố chủ quyền với hầu hết diện tích Biển Đông, bất chấp sự phản đối từ cộng đồng quốc tế. Nước này ồ ạt bồi đắp, cải tạo 7 bãi đá tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam, biến chúng thành đảo nhân tạo và ngang nhiên xây dựng trái phép các cơ sở, công trình trên đó. Bắc Kinh từ đầu năm nay còn lộ rõ ý đồ quân sự hóa khi bố trí hệ thống tên lửa, radar và chiến đấu cơ tại Biển Đông. Dư luận thế giới bất bình về những hành động ngang ngược của Trung Quốc trên Biển Đông, đồng thời yêu cầu các nước cần có các hành động nhằm hạn chế sự ngang ngược của Trung Quốc. Đối với mưu đồ độc chiếm Biên Đông của Bắc Kinh, việc kêu gọi của các nước chưa đủ mà phải là những hành động cứng rắn, quyết liệt từ nhiều nước.

- Hàng chục nghìn người Venezuela đổ sang Colombia tìm thức ăn

Một người Venezuela nói “cảm thấy hạnh phúc vì nhìn thấy nhiều thực phẩm đến vậy” ở quốc gia láng giềng Colombia... Vào tháng 8 năm ngoái, Venezuela đã đóng cửa biên giới với Colombia như một biện pháp chống tội phạm. Cuối tuần vừa rồi, Caracas đã cho mở cửa đường biên trên trong vòng 12 giờ đồng hồ. Venezuela, quốc gia Nam Mỹ giàu tài nguyên dầu lửa và là một thành viên của Tổ chức Các nước Xuất khẩu dầu lửa (OPEC), đang trải qua một cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng. Nhiều hãng thông tấn lớn gọi Venezuela là quốc gia “khốn khổ nhất thế giới”, và nhiều người dân nước này cho biết họ không thể kiếm đủ cái ăn cho gia đình. Tuần trước, khoảng 500 phụ nữ Venezuela đã vượt các chốt kiểm soát biên giới để sang Colombia tìm kiếm thức ăn. Tống thống Venezuela Nicolas Maduro là người đã ra lệnh đóng cửa đường biên vì cho rằng khu vực này là nơi mà lực lượng bán quân sự và các băng đảng tội phạm của Colombia xâm nhập vào Venezuela. Đóng cửa biên giới cũng nhằm ngăn chặn tình trạng hàng hóa được trợ giá ở Venezuela được tuồn sang Colombia để bán kiếm lời. Một quan chức Colombia cho biết khoảng 35.000 người đã vượt qua biên giới giữa San Antonio del Tachira của Venezuela và Cucuta của Colombia khi biên giới được mở cửa vào cuối tuần vừa rồi. Các siêu thị của Colombia ở khu vực biên giới vì vậy đã đông nghẹt người Venezuela vào mua các hàng hóa thiết yếu như gạo, dầu ăn, bột mì và đường. Giá những mặt hàng này ở Venezuela đều đang cao ngất ngưởng do tình trạng thiếu nguồn cung và siêu lạm phát. Một phụ nữ Venezuela có tên Gloria Archilla vui vẻ nói với phóng viên BBC: “Họ có tất cả mọi thứ”, và so sánh sự đầy đủ hàng hóa ở đất nước láng giềng với những kệ hàng trống rỗng trong siêu thị ở quê nhà. Một người khác nói “cảm thấy hạnh phúc vì nhìn thấy nhiều thực phẩm đến vậy”. Tuy phàn nàn về đồng nội tệ Bolivar mất giá và nhận thấy không ít mặt hàng được buôn lậu từ Venezuela được bán lại ở Colombia, những người Venezuela này vẫn vui vẻ. Gần đến giờ biên giới đóng cửa trở lại, những đoàn người Venezuela lên xe bus về nước, mang theo “chiến lợi phẩm” là những chiếc túi đựng đầy hàng hóa thiết yếu cho cuộc sống hàng ngày. Dư luận thế giới lo ngại về những bất ổn trong thời gian tới của đất nước Venezuela, dư luận tự hỏi về vai trò của Nhà nước trong việc điều hành kinh tế vĩ mô và giải quyết khủng hoảng trong nước Venezuela. Nhiều chuyên gia cho rằng, nếu các nước không có các biện pháp kinh tế kịp thời, rất có thể đất nước này sẽ phá sản giống như Hy Lạp trước đây.

4. Các tin bài phản động cần cảnh giác.

- Trang blog badamxoevietnam2.wordpress.com có bài “Ai Đang Làm Náo Loạn Lòng Dân, Ai Đang Làm Mất Lòng Dân.” của tác giả PTS. Tác giả này xuyên tạc, nói xấu của Đảng, Nhà nước ta như sau: “đất nước này là của 90 triệu con dân việt nam, chính quyền này bầu ra kiểu gì? chính quyền này quản lý xã hội như thế nào để người dân phải bức xúc.Mùa hè rất nóng vừa bầu các chức danh Thủ tướng, Quốc hội, Chủ tịch nước, rồi 3 tháng bầu tiếp. Bao nhiêu cái dự án BOT làm đường họ tính chi phí khi quyết toán cao hơn gấp hàng nhiều lần, dẫn đến giá vé lưu thông cao hơn, và khắp giải đất hình chữ S họ lập các trạm thu phí giao thông chặn xe thu tiền mãi lộ của dân với giá rất cao. Đi đâu cũng thấy CA chặn xe thu tiền người dân tham gia giao thông dân đến người dân bức xúc không gọi là CA nữa mà gọi là chó vàng. Sự cố về môi trường miền trung dẫn đến cá chết, biển chết, chim chết và người chết, dẫn đến người dân không có việc làm. Thế mà chính phủ chưa cung cấp thông tin cá chết vì sao? để an dân. Miền Nam cao nguyên hạn hán không có nước mất mùa đói kém ngay trên mảnh đất phì nhiêu của ông cha để lại, chính quyền đã có kế sách gì chưa để an dân. Khi sự cố máy bay SU và Máy CASA rơi chính quyền đã làm gì? mà không cung cấp thông tin cho báo chí dẫn đến thông tin nhiễu loạn, rất mất lòng tin. Nợ xấu, nợ công bao nhiêu? mỗi người dân Việt Nam phải gánh bao nhiêu triệu tiền nợ công, người dân Việt Nam muốn chính phủ phải minh bạch thông tin ..”

Lượt xem: 1.441
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 001042575
  • Đang online: 62
  • Trong tuần: 62
  • Trong tháng: 24.141
  • Trong năm: 360.616