THÔNG TIN DƯ LUẬN TRONG TỈNH
1- Dự án trường đua ngựa nghìn tỷ, nếu không khả thi thì giao đất lại cho dân
Dự án trường đua ngựa Thiên Mã - Madaguôi được UBND tỉnh Lâm Đồng thông qua quy hoạch tổng thể mặt bằng vào năm 2013. Dự án được mở rộng quy mô từ dự án Trung tâm nuôi và huấn luyện ngựa đua Madaguôi khi đó, với chức năng chính là cung cấp ngựa đua cho trường đua Phú Thọ (TP HCM) và ngựa đua thể thao. Nhà đầu tư là Công ty cổ phần đua ngựa Thiên Mã - Madaguôi với tổng vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng, diện tích đất quy hoạch 378ha tại xã Đạ Oai, huyện Đạ Huoai. Dự án hướng đến xây dựng một trường đua ngựa, câu lạc bộ mã cầu (Polo) và ngựa biểu diễn tầm cỡ khu vực phục vụ cho du lịch, thể thao và góp phần thu hút khách du lịch đến tham quan tại Lâm Đồng. Theo kế hoạch trong quý IV/2014 với số vốn đầu tư xấp xỉ 517 tỷ đồng dự án triển khai các hạng mục: Nhà nuôi ngựa, sân đua ngựa, sân tập ngựa, sân vườn, cây xanh, xây dựng cơ sở hạ tầng và nhập ngựa đua thuần chủng.Với diện tích thu hồi xấp xỉ 400ha gần như bị bỏ hoang, chỉ triển khai nham nhở vài hạng mục. Dư luận nhân dân huyện Đạ Huoai cho rằng việc đầu tư dự án là hướng đi đúng, là cơ hội để thúc đẩy kinh tế Đạ Huoai. Tuy nhiên, thực tiễn đã diễn ra không như những gì nhân dân kỳ vọng. Việc triển khai chậm và tình trạng đắp mền dự án đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống những người dân có đất bị thu hồi. Dư luận nhân dân xã Đạ Oai nói riêng và huyện Đạ Huoai nói chung mong muốn Đảng bộ tỉnh khóa X, Hội đồng nhân dân , UBND tỉnh nhiệm kỳ 2016 – 2021 và lãnh đạo huyện Đạ Huoai sớm xác định lại tính khả thi của dự án, nếu dự án không còn khả năng thực hiện thì chuyển hướng đầu tư. Nếu không chuyển hướng đầu tư thì hãy giao lại ruộng đất cho người dân canh tác, đem lại lợi ích kinh tế, xã hội cho địa phương.
2- Công ty thuỷ điện tự ý chặt rừng phòng hộ xung yếu
Dù chưa có giấy phép nhưng Công ty CP thuỷ điện Trung Nam Krông Nô (huyện Đam Rông) đã tự ý chặt hạ rừng phòng hộ xung yếu để lấy mặt bằng thi công đường dây điện 110 Kv. Hiện trường chặt hạ lâm sản nằm ở các tiểu khu 28, 31, 40, 41 thuộc đối tượng rừng phòng hộ xung yếu nằm trên địa bàn xã Đưng K’Nớ (huyện Lạc Dương). Theo giải trình của Công ty CP thuỷ điện Trung Nam Krông Nô, công ty đã lập hồ sơ kiểm kê tài nguyên rừng trên diện tích được chấp thuận chủ trương chung ban đầu và đã được Sở NN-PTNT thẩm định (tổng diện tích kiểm kê hơn 27,5 ha, trữ lượng gỗ trên 829m3). Công ty cũng đã lập thủ tục thuê đất nộp về Sở TN-MT theo quy định, nhưng do cấp bách của tiến độ phải đóng điện trước 31/12/2015 và nhiều lý do khác, trong đó việc vướng cây rừng là lý do trực tiếp ảnh hưởng tiến độ và công ty cũng đã có văn bản xin được chặt hạ cây rừng để thi công móng trụ và rải kéo dây điện… Công ty chỉ chặt cây để lấy mặt bằng thi công chứ không vì mục đích gì khác như lấy đất hoặc lấy lâm sản. UBND tỉnh đã giao Sở NN-PTNT chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan tiếp tục kiểm tra toàn bộ hiện trường rừng bị chặt; xác định rõ diện tích, số cây, khối lượng lâm sản bị chặt hạ trong phạm vi, ngoài phạm vi diện tích mà UBND tỉnh thống nhất chủ trương chung lúc ban đầu. Ngoài ra, UBND tỉnh cũng đề nghị Công an tỉnh cử cán bộ nghiệp vụ tham gia kiểm tra hiện trường cùng Sở NN-PTNT và các đơn vị liên quan để nắm bắt tình hình, thống nhất đề xuất hướng xử lý… Dư luận đồng tình và đánh giá cao các biện pháp mà UBND tỉnh đưa ra. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, cần phân định rõ trách nhiệm, nếu việc chặt hạ cây rừng đã được Công ty CP thuỷ điện Trung Nam Krông Nô lập đủ thủ tục xin phép theo chủ trương chung ban đầu và đúng thời hạn quy định nhưng cơ quan có thẩm quyền chậm giải quyết thì trách nhiệm không chỉ mỗi Công ty CP thuỷ điện Trung Nam Krông Nô; còn ngược lại Công ty CP thuỷ điện Trung Nam Krông Nô không tuân thủ quy định và có động cơ lợi dụng dự án thì cần xử lý nghiêm.
3- Đạ Tẻh vào vụ thu hoạch lúa nếp Đông – Xuân
Thông tin từ Ban Tuyên giáo Huyện uỷ Đạ Tẻh cho hay, xã An Nhơn vùng trọng điểm lúa chất lượng cao của huyện Đạ Tẻh đang vào vụ thu hoạch lúa nếp đông xuân. Nhờ chủ động nguồn nước tưới, chăm sóc tốt, nếp cho năng suất cao và giá bán lúa tươi ngay tại chân ruộng “hấp dẫn”, nên nông dân rất phấn khởi. Vụ đông xuân này, xã An Nhơn chỉ đạo xuống giống gần 350ha nếp các loại; trong đó, có gần 200 ha nếp Quýt, còn lại nếp Cái Hoa Vàng và nếp Hà Nội. Năng suất đạt từ 7 – 10 tấn/ ha. Lúa nếp tươi được thương lái mua tại chân ruộng cao hơn các vụ trước. Cụ thể, nếp Quýt giá 8,7 – 9 ngàn đồng/kg; nếp Cái Hoa Vàng giá bán 8 – 8,5 ngàn đồng/ kg và nếp Hà Nội 6 – 6,5 ngàn đồng. Trừ toàn bộ chi phí, người nông dân xã An Nhơn thu lợi nhuận từ 40 – 50 triệu đồng/ ha. Mặc dù chỉ mới thành lập 1 tháng nhưng Hợp tác xã nếp Quýt An Nhơn đã thu hút 150 hộ đang ký tham gia. Điều này cho thấy, người nông dân xã An Nhơn đang hướng tới việc sản xuất nếp Quýt theo hướng bền vững. Dư luận nhân dân xã An Nhơn cho rằng mô hình hợp tác đã và đang phát huy tác dụng, vì vậy, lãnh đạo huyện Đạ Tẻh cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phát huy hơn nữa mô hình hợp tác xã trong nông nghiệp, hướng tới việc đổi mới phương thức canh tác phù hợp với xu thế hội nhập.
4- Diễn đàn phát triển rau, hoa và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được tổ chức ngày 6/5 tại Đà Lạt, là sự kiện thu hút nhiều sự quan tâm của dư luận trong tháng 5. Tham dự diễn đàn có đại diện lãnh đạo các vụ, viện, cục liên quan thuộc Bộ NN&PTNT; lãnh đạo Sở NN&PTNT, Trung tâm Khuyến nông cùng hơn 100 doanh nghiệp, hộ nông dân sản xuất, tiêu thụ rau, hoa tại Lâm Đồng và các tỉnh phía Nam. Báo cáo tại diễn đàn cho biết, trong năm 2015, diện tích sản xuất rau cả nước gần 888.000ha, đạt sản lượng hơn 16 triệu tấn, tăng lần lượt so với năm 2014 là 6.000ha diện tích và gần 2 tạ/ha sản lượng. Riêng diện tích trồng hoa cả nước trong 10 năm qua, đã tăng 2,3 lần diện tích và 7,2 lần giá trị sản lượng, nhiều mô hình đạt doanh thu từ 800 triệu đồng đến 2,5 tỷ đồng/ha/năm.
Tuy nhiên, sản xuất rau, hoa đang đối diện nhiều khó khăn và thách thức. Đó là quy mô sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ; thiếu vốn để đầu tư ứng dụng công nghệ cao; chịu tác động của biến đổi khí hậu trong việc điều tiết thời vụ, chuyển đổi giống cây trồng… Để tiếp tục phát triển sản xuất ứng dụng công nghệ cao trước thị trường cạnh tranh, hội nhập quốc tế sâu rộng, ngành nông nghiệp cả nước cần triển khai những bước đi đồng bộ, phù hợp trên từng vùng, từng khu vực đất đai, mở rộng liên kết xây dựng các chuỗi sản phẩm đạt năng suất và giá trị kinh tế ngày một cao. Phát biểu tại diễn đàn, ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã chia sẻ những kết quả sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn Lâm Đồng. Theo đó, tổng diện tích nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở Lâm Đồng đạt 43.000ha, chiếm 16% tổng diện tích nông nghiệp toàn tỉnh, mỗi ha đạt doanh thu bình quân 7.500 USD, đặc biệt có nhiều diện tích đạt 25.000 - 100.000 USD. Những giải pháp đột phá phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở Lâm Đồng đã và đang triển khai gồm: Quy hoạch đất đai, tiếp cận trình độ công nghệ cao của quốc tế, tăng cường xúc tiến thương mại, đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao…
Dư luận tin tưởng và kỳ vọng nhiều vào các giải pháp sẽ được đưa ra áp dụng, nhằm không ngừng nâng cao diện tích ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao trong cả nước nói chung và giải pháp đột phá mới cho Lâm Đồng nói riêng, góp phần nâng cao sức cạnh tranh hàng nông sản Việt Nam trên thị trường trong và ngoài nước, thời kỳ đẩy mạnh hội nhập quốc tế.
THÔNG TIN DƯ LUẬN TRONG NƯỚC
1- 189 cá nhân, tổ chức liên quan đến Việt Nam có tên trong Hồ sơ Panama
Trung tuần tháng 5, dư luận cả nước đặc biệt quan tâm thông tin do Hiệp hội Các nhà báo Điều tra Quốc tế (ICIJ) công bố vào rạng sáng ngày 10/5 rằng: Hồ sơ Panama dưới dạng cơ sở dữ liệu có thể tìm kiếm được tại địa chỉ offshoreleaks.icij.org. Thông tin về 200.000 thực thể nước ngoài (công ty offshore) do các cá nhân giàu có trên khắp thế giới thiết lập được hé lộ trong lần này. Trước khi dữ liệu đầy đủ được công bố, tra cứu tên website của ICIJ, người xem tìm thấy 189 cá nhân và tổ chức ở Việt Nam có tên trong Hồ sơ Panama. Số liệu công bố trên ICIJ đến sáng ngày 10/5, có 19 công ty có trụ sở ở các thiên đường thuế liên quan đến Việt Nam. Trong đó, 15 công ty đặt tại quần đảo Virgin thuộc Anh, hai công ty đặt tại Bahamas, một tại Panama và một công ty chưa xác định được vị trí. Có 189 cá nhân liên quan đến Việt Nam theo những cách khác nhau. Ngoài ra, tài liệu cũng công khai tên 23 cá nhân và tổ chức trung gian, 185 địa chỉ tại Việt Nam, phần lớn phân bổ ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Thông tin trên, ngay lập tức thu hút sự quan tâm của dư luận trong nước, đặc biệt là các cá nhân sau: Bà Đàm Bích Thuỷ - người từng đảm nhận vị trí Tổng giám đốc Ngân hàng ANZ Việt Nam. Bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Phó chủ tịch Ngân hàng Phát triển TP HCM, Tổng giám đốc Vietjet Air, đồng thời cũng là cổ đông lớn kiêm nhà sáng lập Sovico Holdings (Công ty mẹ của Vietjet Air); Ông Nguyễn Thanh Hùng và ông Nguyễn Cảnh Sơn. Ông Nguyễn Thanh Hùng (Chủ tịch Sovico Holdings) cũng chính là chồng của bà Nguyễn Thị Phương Thảo. Dư luận cho rằng, các cơ quan chức năng cần vào cuộc điều tra để làm rõ tính xác thực của thông tin trên.
2- Hơn chục tấn cá chết như ngả rạ trên sông Bưởi
Cá tự nhiên và cá lồng nuôi trên sông Bưởi (huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hoá) bỗng nhiên chết hàng loạt khiến người dân vô cùng xót xa. Người dân ở đây cho biết chưa bao giờ cá lồng của họ lại chết nhiều như vậy. Bước đầu, nhà chức trách xác định, "thủ phạm" gây ra hiện tượng cá chết trên sông Bưởi là do Công ty CP mía đường Hoà Bình (có trụ sở đóng tại xã Tân Mỹ, huyện Lạc Sơn, Hoà Bình) xả thải bẩn ra môi trường. Ông Lê Văn Bình, Chi cục trưởng Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Thanh Hoá), cho hay trong buổi làm việc với đoàn công tác của Sở Tài nguyên Môi trường hai tỉnh Thanh Hoá và Hoà Bình, lãnh đạo Công ty CP mía đường Hoà Bình thừa nhận đã xả nước thải chưa qua xử lý ra thượng nguồn sông Bưởi. Việc xả thải bẩn diễn ra nhiều ngày liên tiếp trong khoảng nửa cuối tháng 4 đến đầu tháng 5.. Theo báo cáo của UBND huyện Thạch Thành, đến ngày 7/5 có 15 xã của huyện dọc hai bờ sông Bưởi có tình trạng cá, tôm tự nhiên và cá nuôi lồng chết hàng loạt (71 lồng cá của 32 hộ dân với hơn 17 tấn). Riêng xã Thành Vinh có 28 lồng cá của 16 hộ dân ở hai thôn Lộc Phượng 1, Bãi Cháy đã bị thiệt hại hoàn toàn với tổng trọng lượng cá bị chết lên đến hơn 10 tấn. Dư luận trong nước bức xúc trước những việc làm thiếu trách nhiệm của Công ty CP mía đường Hoà Bình và cho rằng trong khi nhà nước ra sức vận động tuyên truyền toàn dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường thì nhiều doanh nghiệp, trong đó có không ít doanh nghiệp nhà nước lại thiếu ý thức trong việc bảo vệ môi trường và hành xử theo kiểu “sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi”. Nhiều ý kiến còn cho rằng việc ô nhiễm nguồn nước không phải chuyện bây giờ mới có mà tình trạng này đã xảy ra từ rất nhiều năm nay, song công tác quản lý của chúng ta hoặc là do quá yếu kém hoặc là do tiêu cực nên đã không ngăn chặn có hiệu quả. Mặt khác, các biện pháp chế tài của luật pháp còn quá nhẹ nên chưa đủ sức răn đe dẫn đến tình trạng xem thường. Dư luận cho rằng, nếu các nguyên nhân nêu trên không sớm được nhận diện và khắc phục thì tình trạng ô nhiễm mội trường nói chung và ô nhiễm nguồn nước nói riêng sẽ vẫn còn tiếp diễn.
3- Dư luận xung quanh Siêu dự án sông Hồng
Khi tham gia ý kiến về Dự án giao thông thuỷ xuyên Á, kết hợp thuỷ điện trên sông Hồng, với vốn đầu tư 1,1 tỷ USD, hầu hết các bộ ngành, địa phương được xin ý kiến đều đồng ý về chủ trương thực hiện dự án. Tuy vậy, mỗi bộ ngành, địa phương cũng có ý kiến riêng. Đặc biệt, có bộ còn đề cập tới việc chủ đầu tư khai thác khoáng sản trên sông Hồng. Tại văn bản 361, ngày 3/2/2016, Bộ TN&MT thống nhất về sự cần thiết thực hiện dự án cải tạo sông Hồng do Cty TNHH Xuân Thiện (Ninh Bình) đề xuất. Tuy vậy, bộ này đề nghị: Cần có đánh giá chi tiết tác động của dự án tới tài nguyên nước trước khi xây dựng các công trình (đập dâng nước, âu tàu, cảng, thuỷ điện) trên sông Hồng. Bổ sung, làm rõ các tác động của dự án tới môi trường tự nhiên và kinh tế - xã hội trong vùng. Theo Bộ TN&MT, tài nguyên trong phạm vi thực hiện dự án chủ yếu cát sỏi làm vật liệu xây dựng thông thường, thuộc thẩm quyền quản lý của địa phương. Vì vậy, trong quá trình thực hiện, nếu có hoạt động nạo vét liên quan đến thu hồi khoáng sản, chủ đầu tư phải được các địa phương đồng ý. Ngoài ra, chủ đầu tư cần bổ sung các biện pháp phòng, chống sạt lở bờ sông; lập báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định và phê duyệt; bổ sung quy hoạch sử dụng đất…Dự án trên nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận trong nước. Nhiều chuyên gia cho rằng, đây là dự án đa mục tiêu, kết hợp giao thông, thuỷ điện, thực hiện theo hình thức BOO (Xây dựng - Sở hữu - Kinh doanh) phù hợp chủ trương xã hội hoá của nhà nước. Bộ Công Thương đã ủng hộ chủ trương giao Cty Xuân Thiện tiếp tục nghiên cứu để đầu tư xây dựng. Cho ý kiến về dự án cải tạo sông Hồng, Bộ Quốc phòng cũng thống nhất chủ trương đầu tư dự án. Tuy nhiên, quá trình thực hiện cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư lệnh Quân khu 2, Bộ chỉ huy quân sự các tỉnh mà dự án hiện diện, như Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai…
Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, Chính phủ và các địa phương cần nghiên cứu kỹ lưỡng về những tác động đối với vùng đồng bằng sông Hồng, vì nếu không nghiên cứu kỹ thì 27 tỉnh thành rộng lớn trở thành con tin của nhà đầu tư; sẽ biến 288km sông Hồng - tài sản chung của đất nước, nơi mang đến sinh kế cho người dân trở thành tài sản riêng. Bên cạnh đó là vấn đề về 6 nhà máy thuỷ điện sẽ tạo nguy cơ có những vùng đất bị chìm trong biển nước bởi các đập thuỷ điện. Hệ sinh thái có khả năng bị phá vỡ khi phù sa sẽ không thể bồi đắp cho vùng hạ lưu. Đồng thời, thêm tới 6 thuỷ điện này thì sông Hồng sẽ thêm nguy cơ cạn trơ đáy. Những thiệt hại về môi trường không thể nào đong đếm và bù đắp được. Tỏ ý quan ngại, có số luồng ý kiến trong dư luận cho rằng, nếu đầu nguồn bị chặn nước hoặc bị nắn giòng thì siêu dự án sông Hồng sẽ ra sao? Lợi ích của Siêu dự án sông Hồng là điều không ai phủ nhận nhưng những rủi ro kèm theo những thiệt hại nặng nề không phải không có căn cứ. Vì vậy, dư luận mong muốn chính phủ phải điều nghiên thật kỹ trước khi quyết định.
4- Thị trường bán lẻ VN: Mất bò vẫn chưa lo làm chuồng!
Chỉ sau một thời gian ngắn mở cửa hoàn toàn, hơn 50% thị phần bán lẻ Việt Nam đã rơi vào tay các nhà đầu tư ngoại, trong khi các cơ quan quản lý vẫn chưa có giải pháp để bảo vệ ngành bán lẻ trong nước và bản thân nhà bán lẻ nội địa cũng loay hoay tìm cách tồn tại. Nhiều chuyên gia bày tỏ lo ngại không chỉ thị trường bán lẻ Việt Nam rơi vào tay nhà đầu tư ngoại, mà sản xuất nội địa cũng gặp khó bởi sản phẩm làm ra có rất ít cơ hội xuất hiện trên các quầy kệ tại hệ thống bán lẻ, đồng thời đặt câu hỏi về hoạt động quản lý, giám sát của cơ quan chức năng. Trong các văn bản gửi tới Thủ tướng, Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) cho biết doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam gặp khó một phần nguyên nhân do những bất cập trong quản lý, cấp phép của các cơ quan chức năng Việt Nam. Theo đó, trong một văn bản, ông Huỳnh Văn Minh - chủ tịch HUBA - cho biết kể từ tháng 1/2015, cùng với việc mở cửa hoàn toàn thị trường bán lẻ theo cam kết WTO, các “đại gia” bán lẻ nước ngoài không ngừng mở rộng quy mô tại thị trường Việt Nam với hàng loạt cửa hàng, trung tâm thương mại đua nhau mọc lên, cùng với việc thâu tóm hệ thống bán lẻ ở Việt Nam. Cục Quản lý cạnh tranh vừa có văn bản yêu cầu Công ty TNHH MM Mega VN (nguyên là Công ty TNHH Metro Cash & Carry, vừa đổi tên sau khi được đại gia Thái Lan mua lại) giải trình về quá trình và các thủ tục giao dịch mua lại Metro VN, đồng thời cung cấp báo cáo thị phần kết hợp của các bên tham gia trong hai năm 2013-2014 theo quy định của Luật cạnh tranh, trước ngày 30/5/2016. Dư luận trong nước lo lắng cho rằng, nhà nước cần thể hiện rõ hơn nữa vai trò điều tiết, cũng như xây dựng khung pháp lý phù hợp, nhằm kiểm soát thị thường. Nếu không có các biện pháp và chế tài phù hợp, các doanh nghiệp nước ngoài sẽ thâu tóm hết thị trường bán lẻ của nước ta, từ đó ngành công nghiệp sản xuất trong nước sẽ không phát triển, thậm chí là giải thể.
THÔNG TIN DƯ LUẬN THẾ GIỚI
1- Lý do Mỹ cần xây dựng chiến lược đối phó lâu dài với Trung Quốc
Dư luận thế giới quan tâm đến bài phân tích của tác giả John Richard Cookson trên trang tin National Interest của Mỹ. Bài viết này lưu ý: Khi nào là thời điểm tốt nhất để giải quyết vấn đề Biển Đông? Thượng nghị sĩ John McCain đã khẳng định đây là thời điểm hành động. Ông nói: “Những mối đe doạ tiềm tàng Trung Quốc gây ra ở Biển Đông trong những tháng sắp tới đòi hỏi một sự thay đổi để có thể tái bảo đảm các cam kết của Mỹ đối với khu vực và thể hiện với Bắc Kinh rằng theo đuổi chủ nghĩa bá quyền chắc chắn sẽ vấp phải sự đáp trả cương quyết”.
Kế hoạch ông McCain vạch ra - một chương trình tự do hàng hải mạnh mẽ hơn, thách thức bất kỳ yêu sách nào của Trung Quốc về Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) - là một phản ứng cụ thể trước những hành động gây hấn trên Biển Đông của Bắc Kinh. Về phần mình, Trung Quốc đang trắng trợn đẩy mạnh hoạt động quân sự ở Biển Đông bằng việc hạ cánh máy bay quân sự tại quần đảo Trường Sa đang tranh chấp mới đây. Tuy nhiên, tất cả mới chỉ bắt đầu. Điều gì sẽ xảy ra nếu Mỹ và Trung Quốc có một sự cố ở mức nhỏ hoặc trung bình ở vùng tranh chấp? Vào năm 2009, một sự cố như vậy đã xảy ra khi tàu US NS Impeccable đã bị các tàu chiến Trung Quốc "tiếp cận" ở Biển Đông. Các tàu thuyền này đã quấy rối tàu Impeccable, ném các mảnh vỡ vào khu vực nước phía trước của tàu Hải quân Mỹ này. Trong một động thái hiếm hoi, Mỹ đã phản đối mạnh mẽ hành động này của Trung Quốc, nhưng cuộc khủng hoảng đó đã không dẫn đến chiến tranh.
Ông Hồ Cẩm Đào sau đó được bầu làm Chủ tịch nước Trung Quốc, đã chọn một giải pháp là ngừng leo thang và giữ nguyên trạng. Trong một bài phân tích gần đây, học giả Kai He của Trung Quốc đã bình luận rằng quyết định này khác với các sự cố khác mà nhà lãnh đạo Trung Quốc này không giải quyết triệt để và lưu ý rằng lúc đó ông Hồ Cẩm Đào đang trong nhiệm kỳ thứ hai của mình và đã đi được một chặng đường dài trong việc loại bỏ các đối thủ chính trị nên buộc phải "xử lý tình huống" như vậy để thúc đẩy sự ủng hộ của các đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc lúc đó. Tuy nhiên, hiện nay, trước khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình củng cố thêm quyền lực trong Đại hội Đảng lần thứ XIX, dự kiến tổ chức vào năm tới, thì nhà lãnh đạo Trung Quốc này "sẽ dễ bị ảnh hưởng và chịu áp lực của quân đội và thế giới bên ngoài nếu cuộc khủng hoảng chính sách ngoại giao xảy ra. Do đó, ông Tập Cận Bình có thể sẽ áp dụng chính sách chấp nhận rủi ro như một công cụ chính trị để thiết lập quyền lực của mình trong Đảng Cộng sản Trung Quốc", ông Kai He cho biết. Tuy nhiên, những người vẫn kêu gọi quân đội Mỹ tiến về phía Tây Thái Bình Dương cũng hiểu rằng vì nhiều lý do trong nước nên hiện tại ông Tập Cận Bình có thể sẽ sẵn sàng đối đầu mạo hiểm với Mỹ.
Trong một bài viết mới đây, chuyên gia Mỹ John Ikenberry đã có quan điểm quan trọng về lời kêu gọi một "cuộc thập tự chinh mới" do Mỹ dẫn đầu chống lại Trung Quốc. Tất cả các quốc gia ở châu Á đều đang thoái thác. Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và Philippines đều muốn cân bằng giữa một bên là Bắc Kinh và bên kia là Washington. Họ dựa vào Mỹ về an ninh và tạo cân bằng với Trung Quốc, và họ đang ngày càng gắn chặt với Trung Quốc về kinh tế, thương mại và đầu tư hơn với Mỹ. Họ có được lợi ích từ cả hai mối quan hệ. Nước Mỹ sẽ không tìm thấy đồng minh nào trong khu vực muốn theo đuổi chiến lược toàn diện chống lại Trung Quốc. Họ không muốn bị đặt vào một tình huống mà họ cần phải lựa chọn. Các quốc gia trong khu vực này sẽ không muốn tham gia vào một cuộc “thập tự chinh” mới chống Trung Quốc và họ chỉ muốn có được cam kết duy trì an ninh ổn định và đáng tin cậy của Mỹ. Những cân nhắc này cho thấy Mỹ không muốn hiện diện ở châu Á chỉ đơn giản để "cân bằng" với Trung Quốc. Mỹ cần xây dựng chiến lược phức tạp hơn các cam kết, ràng buộc trong việc cân bằng ảnh hưởng với Trung Quốc. Một chiến lược như vậy sẽ phải tập trung trước tiên vào ông Tập Cận Bình vì nhà lãnh đạo Trung Quốc này có khả năng giữ vững vị trí cho đến sau năm 2017. Nguyên trạng có vẻ hấp dẫn nhất đối với ông Tập Cận Bình vì chủ nghĩa phiêu lưu trên biển sẽ không chỉ là một rủi ro đơn thuần. Nếu một sự cố xảy ra giữa tàu chiến hoặc máy bay Mỹ và Trung Quốc, cả hai nước tốt hơn hết nên tránh sự leo thang không cần thiết. Do vậy, chiến lược của Mỹ có thể làm tăng áp lực ngay từ bây giờ. Washington cũng nên dự đoán rằng đặt quá nhiều áp lực lên Bắc Kinh trong năm nay có thể sẽ gây ra hậu quả không mong muốn vì Mỹ có thể "đạt được ít thành công" trong vấn đề Biển Đông hiện nay.
Theo tác giả, về lâu dài, Trung Quốc muốn làm bá chủ khu vực và lối thoát cho Mỹ là khu vực Tây Thái Bình Dương. Tuy nhiên, nhìn vào 5 năm tới, việc gây khó khăn cho Trung Quốc chỉ nên tiến hành sau khi ông Tập Cận Bình đã chắc chắn duy trì quyền lực tại "sân nhà". Điều này sẽ giảm bớt rủi ro không cần thiết trong chiến lược "Hướng về châu Á" của Mỹ, đồng thời giữ ổn định tình hình hiện tại ở Biển Đông.
2- Trung Quốc tung bản đồ 251 đoạn thâu tóm Thái Bình Dương
Các nước gọi hành động của Trung Quốc là vô lý và cáo buộc Bắc Kinh đang thực hiện một hành động “cưỡng đoạt bản đồ”. Tân Hoa Xã đưa tin, Bộ Giáo dục Trung Quốc đã công bố một tấm bản đồ thế giới mới có tên là "bản đồ 251 đoạn" và yêu cầu cho tất cả các cơ quan chính phủ và cơ sở giáo dục của nước này phải sử dụng tấm bản đồ trên trong thời gian tới. Điều đáng nói,"bản đồ 251 đoạn" Trung Quốc đã mạnh bạo đánh dấu các hòn đảo Hawaii và Micronesia ở khu vực Thái Bình Dương là một phần lãnh thổ của Bắc Kinh. Ông Manny Mori - Tổng thống Micronesia, đã gọi hành động của Trung Quốc là vô lý và cáo buộc Bắc Kinh đang “cưỡng đoạt bản đồ”. Những nước khác cũng đang đặt ra câu hỏi về tính pháp lý của tấm bản đồ 251 đoạn và lo ngại sẽ sớm trở thành “nạn nhân” trong chuỗi hoạt động bành trướng lãnh thổ của Bắc Kinh. Hành động trên của Trung Quốc cho thấy nước này không chỉ dừng lại ở việc tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông mà còn muốn gia tăng căng thẳng trong khu vực. Trước những phản ứng dữ dội của dư luận thế giới, Bộ Giáo dục Trung Quốc lại lên cho rằng tấm “bản đồ 251 đoạn”được tạo nên dựa trên nhiều tài liệu khác nhau từ thời nhà Thanh. Theo đó, các tài liệu này chứng minh khu vực phía Bắc Mariana và quần đảo Caroline là thuộc về Trung Quốc. Dư luận thế giới rất bất bình trước thông tin trên và cho rằng, tấm bản đồ 251 đoạn có thể là bước khởi đầu cho các chiến dịch bành trướng ngang ngược mới trên Biển Đông của Trung Quốc. Tuy nhiên, hành động trên sẽ chịu sự phản đối quyết liệt của các nước liên quan và không loại trừ khả năng sẽ tạo nên cuộc chạy đua vũ trang trên Biển Đông trong thời gian tới.
3- Trung Quốc siết chặt lệnh cấm đánh cá tại Biển Đông
Trung Quốc chuẩn bị bước vào mùa cấm đánh cá thường niên tại Biển Đông do Bắc Kinh đơn phương áp đặt, vốn thường xuyên bị Việt Nam bác bỏ. Ngày 5/5, người đứng đầu ngành ngư nghiệp Trung Quốc tuyên bố: Năm nay, lệnh cấm đánh cá sẽ được thực thi một cách nghiêm ngặt hơn, kể cả với các tàu thuyền nước ngoài. Theo Tân Hoa xã, trả lời báo chí, ông Dư Hân Vinh (Yu Xinrong). Lệnh cấm đánh bắt hải sản do Trung Quốc đơn phương ban hành có hiệu lực từ ngày 16/5 đến ngày 1/8 hàng năm tại gần như toàn bộ vùng Biển Đông, trải dài tới vĩ tuyến 12, sát với Indonesia, nhưng không bao gồm phần lớn quần đảo Natuna của Indonesia. Trong bối cảnh Biển Đông căng thẳng, can thiệp đơn phương của Trung Quốc nhắm vào các tàu nước ngoài rất có thể sẽ dẫn đến những hậu quả khó lường. Trong thời gian gần đây, Trung Quốc liên tục bị cáo buộc huỷ hoại môi trường Biển Đông, đặc biệt với việc phá hoại san hô khi bồi đắp, mở rộng nhiều đảo nhân tạo tại Trường Sa và khai thác hải sản bừa bãi tại các vùng có san hô, nơi trú ẩn và sinh trưởng của nhiều loài cá có giá trị kinh tế cao, nguồn thực phẩm quan trọng của các cư dân ven bờ Biển Đông. Các quốc gia ven Biển Đông, trước hết là Việt Nam và Philippines, cũng liên tục phải đối mặt với nạn tàu cá Trung Quốc xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế. Tàu cá Trung Quốc còn gây lo ngại cho cả Indonesia và Malaysia. Tuyên bố trên của Trung Quốc tiếp tục gây lên làn sóng phản ứng mạnh mẽ của dư luận quốc tế. Nhiều người cho rằng, Trung Quốc dường như đã coi Biển Đông là “ao nhà” của mình, muốn làm gì cũng không cần phải xin phép ai, liên tục đưa ra những phát ngôn ngạo mạn và những việc làm đầy thách thức.
4- Trung Quốc huấn luyện quân sự cho ngư dân trên Biển Đông
Việc huấn luyện sẽ diễn ra từ tháng 5 đến tháng 8 năm nay, gồm cả diễn tập trên biển, do các đơn vị cấp thành phố của Cơ quan Vũ trang nhân dân thực hiện. Theo đó, các ngư dân sẽ được trang bị kiến thức về tìm kiếm cứu nạn, chống chịu thiên tai trên biển và "bảo vệ chủ quyền của Trung Quốc". Những người tham gia sẽ được chính phủ hỗ trợ nhiên liệu và một khoản tiền, với mục đích khuyến khích họ dùng tàu vỏ sắt thay vì tàu vỏ gỗ. Chính phủ Trung Quốc cũng cấp thiết bị định vị GPS cho ít nhất 50.000 tàu, giúp họ kết nối với lực lượng Hải cảnh trong tình huống khẩn cấp trên biển, có thể là những vụ va chạm với tàu nước ngoài. Các chuyên gia hải quân và nhà ngoại giao các nước lo ngại đội quân này sẽ làm gia tăng nguy cơ xung đột với tàu nước ngoài trên Biển Đông, nơi có lượng hàng hoá trị giá 5 nghìn tỷ USD đi qua mỗi năm. Thông tin trên được dư luận quốc tế quan tâm và tỏ ý bức xúc trước hành động trên. Đây được cho là động thái mới trong lộ trình quân sự hoá Biển Đông của Trung Quốc. Việc làm trên cũng sẽ mang tính đe doạ đối với ngư dân các nước thường xuyên đánh bắt hải sản tại các ngư trường truyền thống.