TÂM ĐIỂM DƯ LUẬN THÁNG 4 In trang
20/04/2016 12:00 SA

DƯ LUẬN TRONG TỈNH

1- Đà Lạt chuẩn bị cho cuộc bầu cử Quốc hội khóa XIV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021.

Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Lạt cho hay, Đà Lạt đang trong giai đoạn chuẩn bị cho cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021. Các nội dung đều được thực hiện đúng tiến độ, quy trình, hướng dẫn của Trung ương và tỉnh. Thành phố đã thành lập Ban Chỉ đạo bầu cử, Ủy ban bầu cử, các Tiểu ban khác theo quy định; đã tiến hành hiệp thương lần I và lần II thành công. Công tác tuyên truyền được chú trọng, đến cuối tháng 03/2016, tất cả các tổ chức cơ sở Đảng đều được quán triệt Luật Bầu cử, Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các văn bản khác liên quan. Dư luận trong cán bộ và nhân dân Thành phố đang chờ đợi những cuộc hội nghị tiếp xúc cử tri để được nghe, được chất vấn, góp ý cho các ứng viên và đặc biệt là được thẩm định khả năng đại diện nhân dân của các ứng viên thông qua kỹ năng diễn thuyết, chương trình hành động và thái độ tiếp xúc cử tri. Dư luận cũng khẳng định rằng, đây là cuộc bầu cử hết sức có ý nghĩa vì thế các cử tri sẽ chọn lựa chọn những người thật xứng đáng để họ gửi gắm niềm tin.

2. Đức Trọng tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất

Theo tổng hợp thông tin dư luận từ Ban Tuyên giáo Huyện ủy Đức Trọng, đến nay, UBMTTQVN huyện Đức Trọng tổ chức xong Hội nghị hiệp thương lần thứ hai.

Trước đó, tại Hội nghị Hiệp thương lần thứ nhất, Thường trực HĐND huyện báo cáo về dự kiến cơ cấu, thành phần và phân bổ số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND huyện khóa XI (nhiệm kỳ 2016 - 2021). Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và Nghị quyết 1132/NQ-UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sau khi thảo luận, hội nghị thống nhất số lượng đại biểu HĐND huyện khóa mới là 40 đại biểu. Trong đó, khối Đảng: 3; Mặt trận, các đoàn thể: 5; HĐND, UBND, các phòng ban: 8; công an, quân sự: 2; đơn vị sự nghiệp: 2; doanh nghiệp: 2; các xã, thị trấn: 17; tổ chức xã hội: 1.

Về cơ cấu, đại biểu nữ: 30%, dân tộc thiểu số: 20%, dưới 35 tuổi: 15%, ngoài Đảng: 10% và tái cử: 30%.

Tại Hội nghị hiệp thương lần thứ hai, ngày 17/3/2016, UBMTTQVN huyện Đức Trọng đã thống nhất thông qua danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu HĐND huyện khóa XI, nhiệm kỳ 2016-2021 là 80 đại biểu (để bầu 40). Hội nghị cũng đã hướng dẫn mở hội nghị lấy ý kiến cử tri đối với các ứng cử viên nơi cư trú.

 Dư luận cử tri huyện Đức Trọng tỏ ý tin tưởng vào sự đổi mới của công tác bầu cử lần này và cho hay họ sẽ chọn lựa những người đủ đức, đủ tài, biết trọng dân, nghe dân, gần dân để làm người đại diện cho tiếng nói của mình.

3. Đức Trọng ra sức chống hạn cho cây cà phê

Cũng theo Ban Tuyên giáo Huyện ủy Đức Trọng, mùa khô hạn năm 2016 đang vào đợt cao điểm. Đây là lúc người dân tại nhiều vùng trồng cà phê tại huyện Đức Trọng dốc sức chống hạn cho loại cây trồng chủ lực này. Khu vực có khả năng xảy ra hạn là những xã không có công trình thủy lợi hoặc có công trình hồ chứa nhỏ nhưng không đủ nước tưới như Tân Hội, Tân Thành, Ninh Loan, Đà Loan, Tà Năng, Đa Quyn, Tà Hine, Ninh Gia...

Công tác chống hạn được Đảng bộ, chính quyền huyện Đức Trọng triển khai thực hiện ngay đến từng địa phương, đơn vị và nhân dân nhằm chủ động tích cực và giảm thiểu thiệt hại do hạn hán gây ra. Bên cạnh việc chú trọng kiểm tra, tu bổ các hồ đập, hệ thống kênh mương và những công trình thủy lợi trọng yếu, chính quyền địa phương còn khuyến cáo nhân dân sử dụng các máy bơm của hộ gia đình bơm nước từ các khe suối, ao hồ để phục vụ chống hạn. Người trồng cà phê tận dụng tối đa nguồn nước để chống hạn cho cây cà phê; đào giếng, các ao hồ nhỏ và nạo vét hồ chứa, kênh mương để cấp nước tưới; thường xuyên bảo dưỡng máy móc, thiết bị tại các trạm bơm, van điều tiết nước, máy đóng mở để quản lý chặt chẽ, điều tiết hợp lý nguồn nước; sửa chữa gấp những công trình hư hỏng nặng không thể truyền tải nước; thực hiện cấp nước tưới tiết kiệm, hạn chế tối đa thất thoát nước qua công trình hồ đập, kênh mương và áp dụng phương thức tưới nông lộ (tưới xong, khi khô đất mới tưới lại)…

Dư luận hy vọng với những giải pháp mà nhân dân Đức Trọng đang triển khai sẽ giảm thiểu hậu quả do hạn hán gây ra.

4- Những vấn đề dư luận xã hội ở huyện Di Linh quan tâm

Theo Ban Tuyên giáo huyện ủy Di Linh: Trong tháng 3 năm 2016, tình hình tư tưởng, tâm trạng xã hội trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân địa phương Di Linh khá ổn định. Tuy nhiên, do nắng hạn kéo dài, mực nước trên các sông suối, ao, hồ đều thấp không đủ lượng nước tưới cho cây trồng, khiến người dân lo lắng (Toàn huyện có 41.687 ha cà phê, tưới đợt 1 được 38.560 ha, đạt 92%, đợt 2 tưới được 55% tổng diện tích toàn huyện. Đến giữa tháng 3, trên địa bàn huyện đã có mưa ở một số xã, ước diện tích cà phê có mưa được 10.000 ha. Hiện nay số diện tích cà phê không có nguồn nước tưới đợt 2 khoảng 10.500 ha, chiếm 24% diện tích cà phê toàn huyện). Hiện nay, chính quyền và nhân dân địa phương đang ra sức chống hạn, trong đó giải pháp thực hiện triệt để là tiết kiệm tối đa việc sử dụng nước, chống thất thoát nước nhằm đảm bảo nguồn nước tưới, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do hạn hán gây ra.

- Ngoài ra, trong tháng 3 sự kiện mà dư luận cán bộ, đảng viên và nhân dân quan tâm đó là hội nghị lần thứ 2 BCH Trung ương (khoá XII); bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV, bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021; những hoạt động phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông...

5- Lâm Đồng - JICA: Hướng tới cuộc cách mạng nông nghiệp

Trong tháng 3, sự kiện đã thu hút sự chú ý của nhân dân trong tỉnh, đó là việc Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lâm Đồng có buổi làm việc với cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) về Dự án phát triển nông nghiệp theo cách tiếp cận đa ngành và cải thiện môi trường đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp. Hai bên chia sẻ về hợp tác trong tương lai, đầu tiên là đánh giá về hiệu quả hoạt động của Trung tâm sau thu hoạch do JICA tài trợ. Tiếp sau đó, công ty tư vấn phía JICA chia sẻ kết quả khảo sát về nông nghiệp Lâm Đồng nhằm hướng tới thu hút vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài. Để thu hút vốn FDI, Lâm Đồng có thể học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia láng giềng có điều kiện tương đồng. Theo đó, ba giai đoạn thu hút và tận dụng vốn đầu tư nước ngoài diễn ra là phục vụ nội tiêu - tận dụng chi phí thấp xuất khẩu sản phẩm - quay lại phục vụ nội địa với tiêu chuẩn cao hơn. JICA và Lâm Đồng cùng chia sẻ cái nhìn chung về khảo sát xây dựng chiến lược phát triển thương hiệu cho Lâm Đồng. Thương hiệu Lâm Đồng được đánh giá có tiềm năng trong khu vực và quốc tế, tuy nhiên còn rất nhiều vấn đề cần giải quyết để có thể khai thác tiềm năng sẵn có, mở đường phát triển trong tương lai. Bên cạnh đó, hai bên cũng chia sẻ về hiện trạng và các biện pháp khả thi về tài chính nông nghiệp. Phía tư vấn JICA đánh giá, dù có nhiều cố gắng, tuy nhiên cơ sở hạ tầng phục vụ nông nghiệp tại Lâm Đồng còn chưa đạt mức độ mong muốn và cần khá nhiều chi phí để cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng. Đây cũng là mục đích hướng tới của cuộc thảo luận về quy mô dự án Tín dụng ngành dựa trên kết quả mà JICA tài trợ cho Lâm Đồng. Cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân phấn khởi trước những thành công trong tiến trình hợp tác giữa Lâm Đồng và JICA, tin tưởng rằng JICA sẽ đóng góp không nhỏ vào tiến trình hội nhập quốc tế đối với nông sản của Lâm Đồng, đặc biệt là xây dựng thương hiệu cả trong nước và quốc tế.

 6- Lâm Đồng siết chặt quản lý du lịch mạo hiểm

Dư luận cũng đã đặc biệt chú ý trước việc, ba du khách người Anh gặp nạn trong chuyến du lịch mạo hiểm tại thác nước Datanla, đó là: anh Christian Sloan (SN 1991), chị Beth Anderson (SN 1991) và chị Izzy Squire (SN 1997). Cùng với một nam du khách mang quốc tịch Belarus mất tích tại khu vực chân thác Pongour (huyện Đức Trọng). Qua sự kiện đáng tiếc này, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Lâm Đồng sẽ thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, đồng loạt kiểm tra toàn diện tất cả các công ty được cấp phép hoạt động trong lĩnh vực du lịch mạo hiểm nhằm đảm bảo quyền lợi và sự an toàn cho du khách, kiên quyết xử lý nghiêm sai phạm. Du lịch mạo hiểm phát triển mạnh tại Lâm Đồng trong khoảng 3 năm trở lại đây. Với sự mới mẻ mà loại hình du lịch này mang lại đã góp phần thu hút du khách trong và ngoài nước. Tuy nhiên, trước sự quan tâm ngày một lớn của du khách thì một số công ty du lịch có dấu hiệu cạnh tranh không lành mạnh, tăng giá vé nhưng thiếu quan tâm về cơ sở vật chất, thiết bị bảo hộ…Dư luận cho rằng, chính quyền cần xử lý triệt để những vụ việc trên, bên cạnh đó, cần có các giải pháp nhằm quản lý chặt hơn nữa các khu, điểm du lịch, nhằm đảm bảo an toàn cho du khách khi đến nghỉ dưỡng và vui chơi tại thành phố Đà Lạt.

7- Bảo Lộc: Bắt khẩn cấp đối tượng tàng trữ 5,0778 gam ma túy

Chiều 1/3, Công an TP Bảo Lộc ra lệnh bắt khẩn cấp Ký Anh Tuân (31 tuổi, ngụ tại thị trấn Lộc Thắng, huyện Bảo Lâm) về hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy. Tuân tạm trú tại phòng trọ số 3, hẻm 15, đường Hồng Bàng, phường 2, TP Bảo Lộc. Trước đó, vào khoảng 23 giờ 45 phút ngày 26/2/2016, Công an phường 2, TP Bảo Lộc đã kiểm tra phòng trọ của Tuân và bắt quả tang đối tượng Nguyễn Thị Ly (vợ Tuân, 26 tuổi, ngụ tại xã Lộc Lâm, huyện Bảo Lâm) đang tàng trữ 5,0778 gam heroin. Mở rộng điều tra, trên cơ sở căn cứ lời khai của đối tượng Ly, toàn bộ số ma túy trên do Ký Anh Tuân mua về để bán lại cho các con nghiện tại TP Bảo Lộc. Trên cơ sở này, Công an Bảo Lộc đã ra lệnh bắt khẩn cấp đối tượng Tuân để điều tra vụ việc. Hiện nay, Công an TP Bảo Lộc đang củng cố chứng cứ và hoàn thiện hồ sơ để tiến hành khởi tố vụ án và khởi tố các bị can. Được biết, từ đầu năm 2016 đến nay, Công an TP Bảo Lộc đã phá 8 vụ án liên quan đến chất ma túy và bắt giữ 10 đối tượng. Hiện, đơn vị đã ra Quyết định khởi tố 6 vụ án và bắt tạm giam 7 đối tượng liên quan đến hành vi nói trên. Việc làm trên của công an TP Bảo Lộc được dư luận cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh đánh giá cao. Nhiều người tỏ ý hy vọng cho rằng, công an TP Bảo Lộc sẽ tiếp tục ra quân truy quét, góp phần làm trong sạch địa bàn.

8- Mỗi ngày 34 thùng nước uống miễn phí

Trên các tuyến đường tại TP Đà Lạt, gần 3 năm qua, những điểm cung cấp nước tinh khiết miễn phí đã làm mát lòng người dân địa phương, du khách trong nước và nước ngoài. Để có tiền mua những bình nước này, ông Vinh đã trích gần 60% lợi nhuận từ quán mì Trường Hải (Nguyễn Tri Phương, TP.HCM), lợi nhuận ít ỏi từ quán cà phê... để cung cấp ít nhất 34 bình nước cho mọi người uống miễn phí. Cách đây 3 năm, cứ mỗi sáng sớm, ông Vinh lại lặng lẽ đi trên chiếc xe máy của mình chở theo bình nước miễn phí để đặt trên một số điểm tại Đà Lạt. Hình ảnh của ông đã trở nên quen thuộc với người dân nơi đây. Ông Vinh cho biết: “ Ngày trước tôi bỏ tiền mua và tự mình chở nước đặt trên các tuyến đường, nhưng giờ tuổi đã cao, tôi không còn làm việc đó được. Tôi thuê một người làm trả hơn 2 triệu đồng/tháng, chuyên đi chở nước đặt tại các điểm và nhận đổi nước khi có người gọi điện báo hết nước”. Xuất hiện tại các điểm cung cấp nước tinh khiết miễn phí trên các tuyến đường tại Đà Lạt, cứ khoảng 10 phút lại có những người bán vé số, nhặt ve chai, xe ôm.... đến du khách trong và ngoài nước dừng chân tại các điểm đặt bình nước miễn phí để uống. Việc làm trên của ông Vinh được đông đảo nhân dân cảm kích, ủng hộ. Nhiều người cho rằng, nghĩa cử của ông Vinh không chỉ dành cho những người đang vất vả ngoài đường mưu sinh cuộc sống, mà còn làm tăng hình ảnh đẹp của thành phố Đà Lạt hiền hòa mến khách trong mắt du khách trong và ngoài nước. Mong rằng, ngày có thêm nhiều hào hiệp cùng chung tay, góp sức với ông Vinh bằng những việc làm tốt đẹp để không hổ danh là một thành phố văn minh, lịch sự, hiền hòa, mến khách.

9- Ra quân Tháng Thanh niên

Sáng 6/3, tại Quảng trường Lâm Viên, Tỉnh Đoàn Lâm Đồng đã tổ chức ra quân Tháng Thanh niên với sự tham dự của 800 đoàn viên, thanh niên, học sinh, sinh viên đến từ các cơ sở Đoàn trực thuộc, các trường học trên địa bàn TP Đà Lạt. Với chủ đề “Tự hào tuổi trẻ thời đại Hồ Chí Minh”, Tỉnh Đoàn phát động: Mỗi ngày trong Tháng Thanh niên sẽ là ngày hội, tuổi trẻ phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện, làm những việc có ích, những hành động thiết thực, góp phần xây dựng nông thôn mới, tham gia phát triển kinh tế, xã hội, góp sức trẻ dựng xây quê hương Lâm Đồng giàu đẹp. Ngay sau lễ ra quân, lực lượng đoàn viên, thanh niên đã đồng loạt tham gia vào các hoạt động: trồng 200 cây Mai Anh Đào tại Công viên Trần Quốc Toản, dọn vệ sinh môi trường ở Quảng trường Lâm Viên, bờ hồ Xuân Hương, Công viên Xuân Hương, xóa bỏ quảng cáo tại các tuyến đường lớn trong thành phố, tổ chức tư vấn hướng nghiệp giới thiệu việc làm. Dư luận quan tâm đến những việc làm của đoàn viên thanh niên trong tỉnh, nhiều người cho rằng, đoàn viên cần tích cực hơn nữa trong việc xung kích vì cộng đồng, đặc biệt chú trọng đến công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, lòng yêu nước cho đoàn viên, thanh niên. Đồng thời, nâng cao chất lượng các phong trào đoàn, đặc biệt là các phong trào hướng về vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc.

10- Sơ kết 2 năm đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào giảng dạy tại các cơ sở giáo dục, đào tạo

Trung tuần tháng 3 vừa qua, dư luận thành phố Đà Lạt quan tâm đến việc  Thanh tra Chính phủ phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD& ĐT) tổ chức hội nghị toàn quốc sơ kết 2 năm thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc đưa nội dung phòng, chống tham nhũng (PCTN) vào giảng dạy tại các cơ sở giáo dục, đào tạo từ năm học 2013 - 2014. Tại hội nghị này, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh nhấn mạnh: Tình hình tham nhũng ở nước ta hiện vẫn diễn biến phức tạp trên nhiều lĩnh vực, vì vậy, PCTN là một nhiệm vụ cấp thiết, được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm. Việc đưa nội dung PCTN vào giảng dạy tại các cơ sở giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm và xây dựng thái độ, ý thức tự giác cho cán bộ quản lý, giảng viên, giáo viên và học sinh, sinh viên trong đấu tranh PCTN; đồng thời, phát huy vai trò của xã hội, của các cơ quan nhà nước, tạo ra phong trào sâu rộng đấu tranh PCTN, từng bước hình thành văn hóa chống tham nhũng... Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Tiến khẳng định: Đối với Lâm Đồng, từ năm học 2013 - 2014, tỉnh đã chỉ đạo Sở GD & ĐT, các sở, ban, ngành liên quan triển khai thực hiện chỉ thị này. Đến nay, 100% các trường THPT và đại học, cao đẳng, TCCN, các cơ sở dạy nghề đã đưa nội dung PCTN vào giảng dạy. Dư luận cho rằng, việc đưa nội dung PCTN vào giảng dạy tại các cơ sở giáo dục, đào tạo là chủ trương đúng đắn, được xã hội đồng tình và nhận được sự hưởng ứng tích cực từ phía các cơ sở giáo dục, giáo viên, giảng viên, học sinh, sinh viên. Nội dung PCTN đã thu hút sự quan tâm, chú ý của các đối tượng người học vì ý nghĩa, tầm quan trọng đối với quốc gia, dân tộc và mang tính thời sự. Nội dung này đã góp phần trang bị cho người học kiến thức cơ bản về PCTN, nâng cao ý thức của người học trong việc thực hiện nghĩa vụ công dân và trách nhiệm đối với cộng đồng; hình thành và phát triển phẩm chất liêm chính, năng lực tự vệ của người học trước thực trạng tham nhũng và thái độ lên án, đấu tranh với tham nhũng.        

 11- Giá trà Ô long tiếp tục giảm

Hơn 70% hộ dân sống ở hai xã Lộc Tân (huyện Bảo Lâm) và Đambri (TP.Bảo Lộc) hiện đang chới với trước tình trạng giá trà Ô long - cây trồng cho thu nhập chính - đang “lao dốc”, chưa bằng một nửa so với giá thu mua các năm trước. Nhiều hộ gia đình đang đứng trước nguy cơ phá sản, nợ nần chồng chất, phải cắn răng phá bỏ, cắt trà Ô long cao cấp đem bán như trà chợ khiến gánh nặng mưu sinh trước, trong và sau Tết càng nặng trĩu. Từ đầu năm 2015 đến nay, việc xuất khẩu trà Ô long sang thị trường Đài Loan (chiếm 95% thị phần xuất khẩu trà Ô long của Việt Nam) gặp nhiều khó khăn. Hiện sản phẩm trà Ô long sản xuất tại Lâm Đồng gần “chết đứng” vì không thể xuất bán. Tình trạng này đã khiến cả người trồng lẫn các công ty chế biến, xuất khẩu trà Ô long đều lâm vào cảnh khốn đốn khi đến mùa thu hoạch đại trà, nhưng các nhà máy chế biến chỉ mua theo kiểu “nhỏ giọt” buộc người dân phải chấp nhận bán trôi nổi với giá rẻ. Dư luận cho rằng, chính quyền cũng như các công ty chế biến trà cần chủ động tìm đầu ra cho sản phẩm, đặc biệt là việc mở rộng thị trường, không nên để phụ thuộc hoàn toàn vào một thị trường Đài Loan. Có như vậy mới cứu sống và vực dậy cây chè vua - Ô long.

THÔNG TIN DƯ LUẬN TRONG NƯỚC

 1- Những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 3

Đông đảo cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân quan tâm đến các chính sách có hiệu lực từ tháng 3, đây là những điều chỉnh cần thiết nhằm thay đổi những quy định đã áp dụng trong thời gian dài trước đây.

+ Nâng tốc độ xe cơ giới

Theo Thông tư 91 của Bộ Giao thông về tốc độ và khoảng cách an toàn của xe cơ giới hiệu lực từ 1/3, tốc độ tối đa của hầu hết phương tiện tăng thêm 10 km/h cả trong và ngoài khu dân cư. Tốc độ tối đa cho xe cơ giới trong khu dân cư, đô thị sẽ là 60 km/h với đường đôi có dải phân cách giữa và đường một chiều có từ hai làn xe trở lên; 50 km/h với đường không có phân cách giữa và đường một chiều có một làn xe cơ giới (quy định trước đó là 40-50 km/h tùy theo loại phương tiện). Tốc độ tối đa cho phép xe cơ giới lưu thông khu đông dân cư được nâng lên 60km từ 1/3 tới. Tương ứng với các loại đường trên, khi đi ngoài đô thị, ôtô đến 30 chỗ ngồi (trừ xe buýt), ôtô tải đến 3,5 tấn được chạy tối đa lần lượt là 90 km/h và 80 km/h. Ôtô trên 30 chỗ ngồi, trên 3,5 tấn được chạy tối đa 80 km/h và 70 km/h. Các loại xe buýt, đầu kéo sơ mi rơ moóc được chạy tối đa 70 km/h và 60 km/h... Xe máy chuyên dùng, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự, tốc độ tối đa được xác định theo báo hiệu đường bộ và không quá 40 km/h (trừ đường cao tốc). (Chi tiết quy định tốc độ tối đa từ 1/3)

+ Viện phí tăng khoảng 30%

Gần 1.900 dịch vụ kỹ thuật y tế được điều chỉnh giá theo hướng tăng lên với mức tăng bình quân khoảng 30% từ 1/3, theo Thông tư liên tịch 37 của Bộ Y tế và Bộ Tài chính. Mức tăng 30% là do tính thêm chi phí trực tiếp và phụ cấp đặc thù. Riêng 9 bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế đã tự chủ hoàn toàn về tài chính gồm bệnh viện: Bạch Mai, Việt Đức, Chợ Rẫy, Răng Hàm mặt Trung ương, Răng hàm mặt TP HCM, Nội tiết, Phụ sản Trung ương, Tai Mũi Họng Trung ương, Mắt Trung ương tính luôn cả lương bác sĩ nên mức tăng tương đương 50%. (Chi tiết bảng giá khám chữa bệnh từ 1/3). “Lần điều chỉnh giá này là cho nhóm có thẻ bảo hiểm y tế, vì thế không gây xáo trộn nhiều. Trước đây, quỹ Bảo hiểm y tế chi trả 3 đồng thì nay chi 4 đồng, bệnh nhân không phải bỏ tiền túi ra”, ông Dương Đức Hùng, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho hay.

+ Trợ cấp khó khăn cho thân nhân công an

Có hiệu lực từ 1/3, Nghị định số 05 của Chính phủ quy định chế độ trợ cấp khó khăn đột xuất với thân nhân hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ trong ngành Công an nhân dân. Theo đó, thân nhân của hạ sĩ quan, chiến sĩ bị ốm đau từ một tháng trở lên hoặc điều trị một lần tại bệnh viện từ 7 ngày trở lên được trợ cấp 500.000 đồng/suất/lần. Gia đình hạ sĩ quan, chiến sĩ gặp tai nạn, hỏa hoạn, thiên tai dẫn đến nhà ở bị sập, trôi, cháy hoặc phải di dời chỗ ở được trợ cấp 3.000.000 đồng/suất/lần. Mỗi đối tượng trên chỉ được trợ cấp không quá 2 lần trong năm. Ngoài ra, thân nhân của hạ sĩ quan, chiến sĩ từ trần, mất tích cũng được trợ cấp 2.000.000 đồng/suất.

+ Quy định số lượng phó chủ tịch UBND

Nghị định số 8 của Chính phủ quy định số lượng phó chủ tịch UBND, quy trình, thủ tục bầu, từ chức, miễn nhiệm, bãi nhiệm, điều động, cách chức thành viên UBND cấp tỉnh, huyện, xã sẽ được thực thi từ 10/3. Theo đó, đơn vị hành chính ở nông thôn, tỉnh loại I có không quá 4 phó chủ tịch UBND; tỉnh loại II, loại III có không quá 3 phó chủ tịch. Huyện loại I có không quá 3 phó chủ tịch; huyện loại II, loại III có không quá 2 phó chủ tịch. Xã loại I có không quá 2 phó chủ tịch, xã loại II, loại III có một phó chủ tịch. Đơn vị hành chính ở đô thị được quy định như sau: Hà Nội và Hồ Chí Minh có không quá 5 phó chủ tịch; thành phố trực thuộc trung ương còn lại có không quá 4 phó chủ tịch. Quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương loại I có không quá 3 phó chủ tịch; quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương loại II, loại III có không quá 2 cấp phó.

+ Cơ chế hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai

Quyết định 01/2016 của Thủ tướng được áp dụng từ 5/3 quy định nguyên tắc, cơ chế hỗ trợ dân sinh, khôi phục hạ tầng do thiên tai gây ra. Theo đó, ngân sách trung ương sẽ hỗ trợ những địa phương có mức thiệt hại vượt quá khả năng của ngân sách địa phương. Bốn căn cứ để hỗ trợ gồm: thống kê đánh giá thiệt hại theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông, Bộ Kế hoạch Đầu tư; báo cáo thiệt hại của UBND các tỉnh/thành phố kèm đề xuất hỗ trợ; dự phòng ngân sách địa phương đến thời điểm thiên tai; dự phòng ngân sách trung ương đến thời điểm xem xét hỗ trợ.

+ Quy định về quyết toán dự án thuộc nguồn vốn nhà nước

Có hiệu lực từ ngày 5/3, Thông tư 09 của Bộ Tài chính quy định về quyết toán dự án hoàn thành thuộc nguồn vốn nhà nước. Cụ thể, chi phí đầu tư được quyết toán là toàn bộ chi phí hợp pháp thực hiện trong quá trình đầu tư xây dựng để đưa dự án vào khai thác, sử dụng. Chi phí hợp pháp là toàn bộ khoản chi trong phạm vi dự án, thiết kế, dự toán được duyệt; hợp đồng được ký kết kể cả phần điều chỉnh, bổ sung được duyệt theo quy định và đúng thẩm quyền. Còn chi phí đầu tư được quyết toán phải nằm trong giới hạn tổng mức đầu tư được phê duyệt hoặc được điều chỉnh theo quy định của pháp luật.

2- Dư luận quan tâm đến việc bầu cử Quốc hội khóa XIV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021.

Đông đảo cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân quan tâm đến hoạt động bầu cử Quốc hội khóa XIV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021. Thời gian qua, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội diễn ra liên tục. Các hoạt động chất vấn đã tập trung vào những vấn đề mà nhân dân quan tâm. Đặc biệt là những vấn đề về Biển Đông; tình hình phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh; giải quyết các bức xúc của xã hội như tai nạn giao thông; tình trạng kéo dài thời gian thi công các công trình; cải cách giáo dục; tình trạng bấp bênh của giá nông sản…Nhiều chuyên gia cho rằng, trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, Quốc hội nước ta cũng đã có nhiều đổi mới trong tổ chức hoạt động giám sát. Đặc biệt, từ kỳ họp thứ 10, chứng kiến những đổi mới trong hoạt động chất vấn với việc các đại biểu Quốc hội như có thể chất vấn toàn bộ các thành viên Chính phủ một cách tổng thể, về những cam kết của các thành viên Chính phủ trước Quốc hội trong suốt nhiệm kỳ. Các đại biểu Quốc hội và đa số cử tri đánh giá: Chưa khi nào, hoạt động của Quốc hội lại sôi nổi, ấn tượng như kỳ này thể hiện rõ tinh thần dân chủ, dám nói thẳng, nói thật. Trong những phiên chất vấn, không chỉ giúp cử tri thấy được những vấn đề rất “nóng” của đời sống xã hội mà còn kiểm nghiệm được trình độ của đại biểu Quốc hội, cũng như các vị “tư lệnh” ngành.

Trong nhiệm kỳ tới, dư luận nhân dân mong muốn Quốc hội tiếp tục phát huy những thành quả đã đạt được trong thời gian qua, đồng thời khắc phục một số tình trạng như:

+ Tính dàn trải gây khó khăn cho người trả lời chất vấn

Các chất vấn đề cập rộng rãi đến rất nhiều mặt tổ chức và hoạt động của nền kinh tế - xã hội của đất nước. Từ việc xét xử những vụ án dân sự cụ thể đến những vấn đề quốc kế dân sinh, vấn đề bảo vệ môi trường, vấn đề toàn cầu hoá... Rất khó thống kê được số lượng theo nhóm vấn đề như: các vấn đề về chủ trương, chính sách; các vấn đề mang tầm vĩ mô rộng lớn và lâu dài với các vấn đề cụ thể. Bởi vì, đa số các chất vấn của đại biểu Quốc hội là chất vấn gộp các vấn đề, lại thiên về phân tích, diễn giải, đôi khi có cả bình luận. Nhiều chất vấn chỉ xuất phát trên bình diện địa phương mình, ngành mình, nhiều chất vấn trùng lặp hoặc đòi hỏi nhiều bộ, ngành phải cùng trả lời.

+ Sự bất cập về thời gian

Trong mỗi kỳ họp, thường có khoảng 210 chất vấn, Quốc hội chỉ có ba ngày thực hiện hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại hội trường. Mỗi ngày Quốc hội chỉ làm việc 6 tiếng (trừ giải lao) nên ba ngày chỉ có 18 tiếng dành cho hoạt động này. Với khoảng 210 câu hỏi chất vấn ở kỳ họp, như vậy một chất vấn chỉ có hơn 5  phút để tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn. Điều đó là rất ít đối với các đại biểu và người trả lời, chưa kể đại biểu Quốc hội và người trả lời lại còn phải thưa gửi, cảm ơn.

+ Tính không đầy đủ

Chất vấn và trả lời chất vấn trải rộng lên mọi hoạt động kinh tế - xã hội của đất nước, nhưng vẫn không đầy đủ. Đầy đủ không phải là một yêu cầu của hoạt động chất vấn, nhưng nếu hoạt động này đáp ứng được yêu cầu của cử tri, đồng thời qua đó thấy được toàn bộ thực trạng nền kinh tế - xã hội, thấy được những vấn đề đang là điểm nóng, thấy được nguyên nhân của những việc trì trệ, thì hoạt động chất vấn sẽ đạt hiệu quả cao hơn. Tính không đầy đủ có thể có bởi lý do lựa chọn bộ, ngành trả lời, có thể bởi lý do bí mật quốc gia, và có thể do cơ chế của hoạt động chất vấn còn chưa hoàn thiện.

+ Tính chưa chọn lọc

Đầu tiên là các câu hỏi chỉ mang tính giải đáp, cung cấp thông tin. Các câu hỏi này sẽ được giải đáp nhanh chóng tại Trung tâm Thông tin của Văn phòng Quốc hội, nhưng nhiều đại biểu vẫn dùng để đưa vào chất vấn. Cần thiết phải lựa chọn câu hỏi chất vấn trong số các vấn đề cần hỏi. Thậm chí, có thể đưa các câu hỏi về các vụ án cụ thể để Trung tâm Thông tin tìm hồ sơ trước khi chất vấn. Điều tối kỵ khi chất vấn là chất vấn khi chưa đủ thông tin. Điều này làm lãng phí thời gian của Quốc hội và làm người trả lời chất vấn lúng túng.

Thứ hai là việc lựa chọn vấn đề. Có những vấn đề đơn lẻ, chỉ ảnh hưởng đến cá nhân người chất vấn, như việc xin kinh phí mua máy cho một Trung tâm nghiên cứu mà đại biểu Quốc hội đó đang đứng đầu. Hoặc có những câu hỏi thật chung chung mà việc trả lời các câu hỏi này đòi hỏi sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân trong một thời gian dài. Ví dụ "Nguyên nhân và biện pháp phòng trừ tội phạm trên cả nước", hoặc "Xin Chủ tịch Quốc hội cho biết ý kiến của mình trước thực trạng cần phải giảm khoảng cách giàu nghèo..."

+ Tăng số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách, nâng cao năng lực hoạt động của đại biểu, trong đó chú trọng đến trình độ, năng lực của các đại biểu Quốc hội. Với tư cách là người đại diện cho quyền lợi của nhân dân, nếu không có trình độ, kiến thức, chắc chắn sẽ không am hiểu các lĩnh vực, từ đó sẽ không nêu lên được những vấn đề mà nhân dân quan tâm.

+ Tăng thời gian chất vấn tại kỳ họp Quốc hội, đồng thời, cần thiết phải chuẩn hoá công tác chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp Quốc hội. Đây là việc làm cần thiết, nhằm nâng cao chất lượng các buổi chất vấn, tránh tình trạng đưa ra các câu hỏi chung chung, khó trả lời vì liên quan đến nhiều lĩnh vực, gây mất thời gian của Quốc hội.

+ Lựa chọn vấn đề để chất vấn: Ưu tiên cho những vấn đề quốc kế dân sinh, những vấn đề mà chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước đang coi là trọng tâm trong từng thời điểm: xoá đói giảm nghèo, kích cầu, chống tham nhũng, cải cách hành chính...

+ Tách các câu hỏi chất vấn (và cả thời gian chất vấn) làm hai phần. Phần chất vấn về những vấn đề chung, về các chủ trương chính sách lớn được tiến hành trong hai phiên họp đầu tiến hành hoạt động chất vấn (hai ngày đầu). Việc chất vấn các vấn đề, các việc cụ thể tập trung vào ngày thứ 3 của hoạt động chất vấn. Những câu hỏi chất vấn trùng với thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước thì nên chuyển sang các phiên họp thảo luận về vấn đề này (thường diễn ra trước các phiên chất vấn).

Bên cạnh đó, trong quá trình chất vấn và nhận trả lời chất vấn, các đại biểu Quốc hội cần chú ý hơn đến việc xem xét trách nhiệm cá nhân của thành viên Chính phủ, Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC. Đồng thời, dành sự quan tâm thích đáng đến những công chức, cán bộ dân cử đang tham gia, điều hành bộ máy chính quyền các cấp.

Với những đổi mới thời gian qua, cử tri hoàn toàn có thể kỳ vọng trong nhiệm kỳ mới, hoạt động chất vấn của Quốc hội sẽ ngày càng sôi động hơn và giảm dần tính tham luận, tăng tính tranh luận với tinh thần chất vấn, truy vấn đến tận cùng vấn đề. Đó cũng chính là tư tưởng, tinh thần của một Quốc hội vì lợi ích của nhân dân, của dân tộc được hun đúc suốt chiều dài lịch sử 70 năm qua.

3- Cựu binh Gạc Ma tưởng nhớ đồng đội

Đông đảo cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân quan tâm đến việc, sáng 14/3, UBND phường Quảng Phúc (thị xã Ba Đồn, Quảng Bình) đã tổ chức Lễ tri ân, tưởng nhớ liệt sĩ hy sinh trong trận hải chiến trên đảo Gạc Ma, thuộc quần đảo Trường Sa vào năm 1988 tại nghĩa trang liệt sĩ phường Quảng Phúc. Đúng 9h sáng, lễ tri ân các liệt sĩ Gạc Ma được tổ chức trong không khí trang nghiêm. Đại diện cho gia đình, đồng đội và người dân địa phương, vị Chủ tế đọc bài văn tế gửi đến anh linh các liệt sĩ đã hy sinh vì nước để bảo vệ lãnh thổ Việt Nam. Tên của 64 chiến sĩ Gạc Ma được đọc to và rõ cùng những lời tưởng nhớ, tri ân sâu sắc của những người đang sống. Những cựu binh Gạc Ma cùng với mọi người lần lượt dâng những nén hương thơm lên phần mộ liệt sĩ Trần Văn Phương cùng những phần mộ liệt sĩ khác đang an nghỉ tại nghĩa trang.

4- Tình trạng nhiễm mặn, thiếu nước đang diễn biến vô cùng phức tạp

Nhân dân các tỉnh phía Nam vô cùng lo lắng trước tình trạng xâm nhập mặn đang diễn biến phức tạp nhất trong vòng 100 năm qua ở các khu vực Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long, gây thiệt hại nặng nề, đe dọa nghiêm trọng đến sản xuất, dân sinh. Các vùng cách biển 20 đến 45 km, nguồn nước ngọt xuất hiện ít và gần như không có khả năng lấy nước ngọt từ các cửa sông, gây ra tình trạng thiếu nước cho sản xuất và sinh hoạt. Tình trạng thiếu nước cũng đang diễn ra nghiêm trọng tại các tỉnh Tây Nguyên, với hơn 8.500 hộ, tập trung tại các tỉnh Đăk Lắk, Gia Lai, Lâm Đồng. Nhân dân mong muốn các bộ, ngành địa phương cần tập trung vào cuộc cùng với nhân dân ứng phó thiên tai, khắc phục hậu quả, sớm ổn định đời sống, sản xuất, thực hiện ngay những công trình ngăn nước mặn, giữ nước ngọt phục vụ đời sống và sản xuất của người dân.

THÔNG TIN DƯ LUẬN THẾ GIỚI

1- Vấn đề Biển Đông

Trung Quốc đã điều động 7 tàu đến bãi Hải Sâm nằm giữa Đá Vành Khăn và Đảo Vĩnh Viễn ở quần đảo Trường Sa. Thị trưởng đảo Pagasa của Philippines Eugenio Bito-onon Jr nói với hãng tin Reuters: “Đây là điều đáng báo động. Quirino nằm giữa trực đường từ đảo Palawan tới Pagasa, họ vẫn coi đây là chạm dừng chân để nghỉ ngơi. Trung Quốc muốn cản trở bằng cách tạo ra một trạm kiểm soát không chính thức. Đây là hành vi xâm phạm trắng trợn quyền tự do hàng hải của Philippines”. Đây cũng là địa điểm tàu chiến Trung Quốc từng bị tố cáo đã nổ súng cảnh cáo vào ngư dân Philippines năm 2011.

Trong khi đó “Philippines Star” đưa tin nhiều ngư dân địa phương đã nói về việc họ từng bị Trung Quốc xua đuổi khu vực này từ hồi tuần trước dù đó là ngư trường truyền thống của ngư dân đảo Palawan và nhiều nơi khác của Philippines. Giới chức Manila đang thẩm tra các thông tin về sự hiện diện của Trung Quốc tại bãi Hải Sâm. Cùng ngày, quân đội Philippines cho biết đang tiến hành điều tra cáo giác này. Đài TNHK dẫn lời một quan chức lực lượng vũ trang nói: “Chúng tôi biết có những chiếc tàu Trung Quốc di chuyển ở quần đảo Trường Sa. Tàu của họ cũng hiện diện tại Bãi Cỏ Mây. Họ cần xác định xem đây có phải là sự hiện diện thường trực hay không”.

Bộ ngoại giao Philippines cho biết các tàu tuần tra bờ biển Trung Quốc đã xuất hiện ở bãi san hô này từ hai tuần trước, song không có mặt trong khu vực. Bộ Ngoại giao Philippines tuyên bố “Bộ đang theo dõi sát sao các thông tin liên quan đến tình hình khu vực, tiếp tục kêu gọi Trung Quốc kiềm chế các hành động có nguy cơ làm leo thang các tranh chấp ở Biển Đông và ảnh hưởng tới hòa bình cũng như ổn định trong khu vực”.

Về phía Trung Quốc, hãng tin Reuter cho biết nước này xác nhận đã đưa các tàu đến bãi Hải Sâm để trợ giúp một tàu đánh bắt cá Trung Quốc gần đây bị mắc cạn, nhưng khẳng định sau đó những tàu này đã rời khỏi khu vực. Tại Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hồng Lỗi nói “Để đảm bảo an toàn hàng hải và các điều kiện làm việc, Trung Quốc kêu gọi các tàu đánh cá đang hoạt động ở khu vực này rời đi”, đồng thời nhấn mạnh Trung Quốc có chủ quyền không thể chối cãi đối với bãi Hải Sâm, nơi nước này gọi là Đá Ngũ Phương.

Cáo buộc mới nhất của Philippines được đưa ra trong bối cảnh nhiều quốc gia, nhất là Mỹ phản đối và cảnh cáo Trung Quốc không nên “quân sự hóa” Biển Đông, đồng thời đe dọa Bắc Kinh sẽ phải hứng chịu những “hậu quả cụ thể” nếu không giảm bớt sự hung hăng trong khu vực. Đài TNHK dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter phát biểu tại Francisco, trong đó khẳng định: “Trung Quốc không được quân sự hóa Biển Đông. Trung Quốc trỗi dậy, điều đó không thành vấn đề, nhưng hành xử một cách gây hấn thì đó lại là một vấn đề”. Nếu Trung Quốc coi thường lời cảnh báo này, quân đội Mỹ sẵn sàng tăng cường điều động tới khu vực châu Á – Thái Bình Dương và đang dự kiến chi thêm 425 triệu USD cho các hoạt động diễn tập quân sự chung với những nước trong khu vực bị Trung Quốc đe dọa.

2- Mỹ điều nhóm tàu sân bay tuần tra Biển Đông     

Hải quân Mỹ đã triển khai một tàu sân bay, nhiều tàu đi kèm cùng hàng nghìn thủy thủ đến Biển Đông, khu vực mà Washington lo ngại đang bị Bắc Kinh tăng cường quân sự hóa. Tàu sân bay USS John C. Stennis đã đến Biển Đông hôm 2/3, Washington Post dẫn lời chỉ huy hải quân Mỹ Clay Doss, phát ngôn viên Hạm đội Thái Bình Dương. Đồng hành với nó là tàu tuần dương USS Mobile Bay, các khu trục hạm USS Stockdale và USS Chung-Hoon. Ông Clay Doss cho biết “USS John C. Stennis đang thực hiện một cuộc tuần tra định kỳ ở Biển Đông, nơi Trung Quốc gần đây bị tố là triển khai tên lửa, chiến đấu cơ và radar. Hải quân Mỹ sẽ tiếp tục thường xuyên xuất hiện ở khu vực trên; các tàu thuộc Hạm đội Thái Bình Dương từng hoạt động trong 700 ngày tại đây hồi năm ngoái”. Ngoài nhóm tàu sân bay, tàu tuần dương USS Antietam của Mỹ ở Nhật Bản cũng đang tuần tra Biển Đông. Tàu khu trục USS McCambell và tàu đổ bộ USS Ashland đã hoàn thành các cuộc tuần tra tương tự vào tuần trước. Không rõ khi nào các tàu thuộc nhóm tàu sân bay hoàn thành tuần tra. Mặc dù, Trung Quốc chỉ trích động thái của Mỹ là khiêu khích nhưng Washington tuyên bố sẽ tiếp tục di chuyển qua các vùng biển quốc tế ở đây. Hoạt động trên được dư luận quốc tế quan tâm, nhiều chuyên gia cho rằng, đây là những việc làm cần thiết nhằm kiểm soát các hành động ngang ngược của Trung Quốc trên Biển Đông. Tuy nhiên, nhiều người lo ngại rằng, việc đưa các tàu khu trục đến tuần tra chỉ có thể kiểm soát, nhưng không ngăn chặn được những hành động của Trung Quốc trên Biển Đông, và như vậy, vẫn chưa phát huy hết tác dụng của các phiên tuần tra.

3- Philippines yêu cầu Trung Quốc tôn trọng phán quyết từ tòa quốc tế

Philippines kêu gọi Trung Quốc tôn trọng phán quyết sắp tới từ Tòa Trọng tài Thường trực đối với vụ kiện về Biển Đông mà Manila đang theo đuổi. "Philippines, cũng như cộng đồng quốc tế đang đề nghị Trung Quốc tôn trọng phán quyết sắp tới từ tòa trọng tài và cùng nhau tiến đến một trạng thái dựa trên luật pháp quốc tế", Reuters dẫn lời Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario cho biết. "Nếu Trung Quốc không chú ý đến lời kêu gọi chung của chúng ta, có phải điều đó nghĩa là Trung Quốc tự xem mình cao hơn cả luật pháp?". Ông del Rosario đưa ra bình luận trên sau khi Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị, trong chuyến thăm Mỹ tuần trước, cáo buộc Philippines "khiêu khích chính trị" khi muốn giải quyết tranh chấp thông qua Tòa Trọng tài Thường trực (PCA). Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi vừa một lần nữa tuyên bố Trung Quốc sẽ không tham gia vụ kiện. Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với phần lớn diện tích Biển Đông, chồng lấn lên vùng biển các quốc gia láng giềng như Việt Nam, Philippines. Philippines đã yêu cầu PCA ở The Hague, Hà Lan, ra phán quyết đối với yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc. Nhưng Trung Quốc tuyên bố toà án không có thẩm quyền và từ chối tham gia vụ kiện, đồng thời cho biết mọi tranh chấp nên được giải quyết bằng đối thoại song phương. Những phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã vấp phải sự phản ứng quyết liệt của dư luận quốc tế. Nhiều chuyên gia cho rằng, việc Trung Quốc bất chấp pháp luật, không  tuân thủ phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực sẽ làm giảm uy tín của nước này trên thế giới, đồng thời, tự tách mình ra khỏi cộng đồng quốc tế.

4- Hơn 200 tay súng IS tạo phản, giết chết thủ lĩnh

Trong một cuộc chiến nội bộ, khoảng 200 tay súng IS đã giết chết Abu Ali al-Tunisi, một chiến binh người Thổ Nhĩ Kỳ chỉ huy các hoạt động quân sự ở miền bắc Raqqa, thủ phủ của IS tại Syria. Sau khi nổ súng vào xe chỉ huy, giết chết Tunisi cùng hai tay súng hộ tống khác, nhóm chiến binh này đã quay sang ủng hộ người dân ở ngoại ô Raqqa chống lại tổ chức IS. Tình trạng này buộc IS phải phong tỏa các tuyến đường dẫn vào thành phố. Cùng ngày, người dân ở ngoại ô Raqqa đã đụng độ với phiến quân IS, tiêu diệt được một số tay súng, kiểm soát những con phố ở hai khu vực lân cận Raqqa, đồng thời kéo cờ Syria tại 5 khu vực ngoại ô tỉnh này. Thời gian gần đây, số lượng chiến binh IS đào ngũ ở Syria tăng đáng kể. Nguyên nhân được cho là xuất phát từ sự bất mãn về việc tiền lương bị cắt giảm cũng như việc phân biệt đối xử với các tay súng nước ngoài trong nội bộ hàng ngũ. Tình trạng này là thách thức không nhỏ với nỗ lực kiểm soát toàn diện thành phố Raqqa, thủ phủ của IS ở Syria kể từ tháng 8/2014. Bên cạnh đó, sự thắng thế của quân đội chính phủ trước phe nổi dậy Syria ở hai tỉnh Aleppo và Hama cũng đe dọa việc kiểm soát Raqqa của IS. Đây là tín hiệu cho thấy tổ chức khủng bố tự phát này đang tan rã, là hệ quả tất yếu của các tổ chức cực đoan, gieo rắc tội ác, chống lại loài người.

5- Putin ra lệnh rút quân khỏi Syria

Tổng thống Vladimir Putin ra lệnh cho Bộ trưởng Quốc phòng Nga bắt đầu rút phần lớn quân khỏi Syria từ ngày 15/3. Ông Putin cho biết "Tôi cho rằng các mục tiêu được đặt ra cho Bộ Quốc phòng và lực lượng vũ trang Nga nhìn chung đã được hoàn thành. Đó là lý do tại sao tôi ra lệnh bắt đầu rút bộ phận chính trong nhóm quân sự của chúng tôi khỏi lãnh thổ Cộng hòa Arab Syria từ ngày mai". "Với sự can thiệp của quân đội Nga, lực lượng vũ trang Syria và lực lượng yêu nước Syria đã có thể đạt được bước ngoặt lớn trong cuộc chiến chống khủng bố, và giành được thế chủ động trên hầu hết các mặt trận". Ông Putin bày tỏ hy vọng rằng quyết định này sẽ khuyến khích tất cả bên liên quan trong cuộc xung đột Syria theo đuổi một giải pháp hòa bình. "Tôi yêu cầu ngoại trưởng tăng cường sự tham gia của Liên bang Nga trong việc thúc đẩy tiến trình hòa bình, hướng tới một giải pháp cho cuộc khủng hoảng Syria". Tuy nhiên, Moscow vẫn sẽ duy trì hiện diện quân sự ở Syria, và thời hạn rút quân hoàn toàn chưa được công bố. Ông Putin cũng chỉ ra rằng lực lượng Nga sẽ tiếp tục đồn trú tại cảng Tartus và căn cứ không quân Hmeymim ở Latakia. "Các căn cứ của chúng tôi - căn cứ hải quân ở Tartus và căn cứ không quân tại Hmeymim - vẫn sẽ hoạt động bình thường. Chúng cần được bảo vệ từ trên bộ, trên biển, và trên không".

Động thái trên được dư luận quốc tế hoan nghênh, nhiều người cho rằng, hành động rút quân của Nga sẽ tạo tiền đề cho các bên tìm ra giải pháp hòa bình, ổn định cho đất nước Syria. Nhiều chuyên gia nhận định, động thái rút quân của Nga sau khi đã thể hiện sức mạnh quân sự tại Syria là hành động khôn ngoan, vừa đảm bảo vai trò tại khu vực này, vừa tránh sa lầy vào cuộc chiến không đáng có, để tập trung cho các vấn đề trong nước.

6- Triều Tiên tuyên bố sẽ sớm thử đầu đạn hạt nhân

Dư luận quốc tế quan tâm đến việc lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un nói rằng, nước ông sẽ sớm thử nghiệm đầu đạn hạt nhân và phóng thử tên lửa đạn đạo có khả năng mang đầu đạn hạt nhân. Ông Kim Jong-un đưa ra tuyên bố khi giám sát một cuộc thử nghiệm mô phỏng thành công việc tên lửa đạn đạo tái nhập khí quyển, để đánh giá "mức ổn định cấu trúc nhiệt động lực học của vật liệu chịu nhiệt mới được phát triển". Lãnh đạo Triều Tiên tuyên bố rằng, một cuộc thử nghiệm đầu đạn hạt nhân và bắn thử nghiệm vài loại tên lửa đạn đạo có khả năng mang đầu đạn hạt nhân sẽ được tiến hành trong tương lai gần, để tăng cường hơn nữa khả năng tấn công hạt nhân. Ông Kim chỉ đạo các bộ phận liên quan chuẩn bị trước. Tuy nhiên, các chuyên gia Mỹ và Hàn Quốc đánh giá rằng, Triều Tiên vẫn chưa thu nhỏ thành công đầu đạn hạt nhân gắn trên tên lửa đạn đạo liên lục địa. Họ cũng cho rằng Triều Tiên chưa có các cuộc thử nghiệm để chứng minh họ đã làm chủ công nghệ tái nhập khí quyển cần thiết. Có ba giai đoạn trong quỹ đạo bay của tên lửa đạn đạo. Giai đoạn một, tên lửa được phóng lên theo chiều thẳng đứng, vượt qua tầng khí quyển và đi vào khoảng không vũ trụ. Giai đoạn hai, tên lửa dần dần xoay hướng để chuyển động ngang trên khoảng không vũ trụ. Sau khi đạt độ cao tối đa, đầu đạn sẽ được phóng ra khỏi những phần còn lại hết tác dụng của tên lửa, rồi mất dần độ cao và thâm nhập lại tầng khí quyển. Giai đoạn cuối cùng, tên lửa lao xuống mục tiêu. Tuyên bố của Bình Nhưỡng được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng trên bán đảo Triều Tiên, khi Washington và Seoul đang triển khai cuộc tập trận chung, được miêu tả là lớn nhất từ trước đến nay. Sau khi chịu lệnh trừng phạt mới của Liên Hợp Quốc, Triều Tiên liên tục đưa ra những lời đe dọa tấn công Mỹ và Hàn Quốc. Động thái trên của Triều Tiên cùng với lời đe dọa rằng, Triều tiên có thể xóa sổ thành phố New York của Mỹ bằng bom nhiệt hạch gắn trên tên lửa đạn đạo, đã khiến dư luận thế giới lo lắng, mặc dù nhiều chuyên gia cho rằng, Bình Nhưỡng chưa thể nắm trong tay công nghệ chế tạo thứ vũ khí nguy hiểm này.

Lượt xem: 1.444
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 001042478
  • Đang online: 33
  • Trong tuần: 33
  • Trong tháng: 24.044
  • Trong năm: 360.519